Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có trên 1400 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng trên 4% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước. Không chỉ hạn chế về số lượng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, chưa đủ mạnh, chưa cung cấp được dịch vụ logistics tích hợp và chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu.
Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho biết, năm 2021, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước. Trong đó, sản lượng lúa chiếm tới 50%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tới 65% và sản lượng trái cây chiếm tới 70%; đồng thời Đồng bằng sông Cửu Long cũng đóng góp tới 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Với những lợi thế đó, Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước… Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long lại là khu vực có chi phí logistics hàng nông, thủy sản cao nhất, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Hạn chế lớn nhất đối với phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thu mua nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ ra thị trường. Chi phí logistics quá cao trở thành gánh nặng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Để khắc phục những hạn chế trên, những năm gần đây, hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong đó có phát triển hệ thống logistics. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hai trung tâm logistics hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng ra Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (nhóm 6) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ðây là những tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển logistics, từ đó góp phần đưa hàng hóa của vùng vươn tầm khu vực và thế giới.
Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm Logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, thì tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL sẽ có 01 Trung tâm Logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dù đã có những chuyển biến vượt bậc về hạ tầng giao thông, nhưng theo đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, đến nay vẫn còn chênh lệch lớn giữa hạ tầng giao thông và nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông nghiệp từ ĐBSCL. Dịch vụ cung ứng Logistics vẫn còn nhỏ, lẻ chưa có các cảng cạn (ICD - Inland Container Deport), thiếu hệ thống kho gom hàng tiêu chuẩn để phục vụ cho hoạt động kinh tế vùng.
Một khi nói đến hệ thống Logistics, chúng ta không thể không nói đến kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông. Điều bất lợi lớn nhất của ĐBSCL là điều kiện địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, rạch, nền đất yếu nên rất tốt kém khi phải đầu tư các công trình giao thông của vùng, khi thực tế năng lực tại chính quốc gia còn hạn hẹp. Nhiều báo cáo cũng đã so sánh việc đầu tư đường bộ tại Việt Nam cao từ 1,5 - 2 lần so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Trung Quốc.
ĐBSCL có một số cảng biển sơ khởi được hình thành, như cảng Cái Cui (Cần Thơ) chỉ mới tiếp nhận tàu tải trọng 20.000 DWT, nhưng thực tế chưa khai thác hiệu quả, do sự liên thông giữa cảng biển này đến các nhánh sông như sông Hậu chưa được đầu tư đúng mức. Đây là một lỗ hổng trong đầu tư cảng biển. Có cảng biển, nhưng sự liên kết giữa các vùng không triển khai hiệu quả. Trong khi đó cảng Trần Đề (Sóc Trăng), mặc dù đã được quy hoạch là cảng nước sâu và cho ra kịch bản nhiều hứa hẹn tạo nút tháo cho lưu thông hàng hóa ĐBSCL liên kết giữa các vùng và quốc tế, tuy nhiên, đến nay chỉ là những tờ giấy còn nằm trên bàn.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, năng lực cảng biển ĐBSCL còn hạn chế, chỉ dừng lại như cảng vệ tinh thực hiện gom hàng cho các cảng khu vực TP.HCM và Cái Mép - Thị Vải và vận tải liên vùng cự ly ngắn. Vì thế, nhu cầu có cảng nước sâu đúng nghĩa cho cả vùng ĐBSCL là cần thiết, làm điểm tập kết hàng hóa, giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh phát triển cho cả vùng.
GS.TS Từ Văn Bình và PGS.TS Nguyễn Phú Son góp bàn, để cải thiện hệ thống Logistics của vùng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hàng hóa chủ lực của vùng theo hướng hiệu quả và bền vững, về mặt cơ chế chính sách cần cải thiện cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề quản lý hàng hóa vận chuyển và bố trí nguồn ngân sách hợp lý để thực hiện các dự án liên kết vùng trong phát triển hệ thống Logistics.
Bên cạnh đó, để cải thiện và phát huy hệ thống hạ tầng giao thông của vùng cần đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên cho các trường hợp như sau: (i) Phát triển hệ thống cảng, đặc biệt là cảng biển nước sâu chung cho vùng ĐBSCL; (ii) Hoàn thiện hệ thống giao thông thủy nội địa; (iii) Hoàn thiện các công trình đường bộ; và (iv) Phát triển hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Đồng thời, để nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ Logistics cho các doanh nghiệp Logistics cần tập trung phát triển các lĩnh vực sau theo thứ tự ưu tiên: (i) Đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho ngành Logistics tại vùng ĐBSCL; (ii) Khuyến khích thành lập doanh Logistics và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ Logistics cho các doanh nghiệp Logistics; và (iii) Xây dựng Trung tâm Logistics tại vùng ĐBSCL.
Văn Công, Kiều Oanh, Bảo Phùng