Tại Hội thảo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực thủy lợi - phòng chống thiên tai được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, hoạt động thuỷ lợi và phòng chống thiên tai là cái gốc để tái cơ cấu nông nghiệp, để tăng trưởng ngành nông nghiệp và phát triển bền vững, góp phần quan trọng ổn định nền kinh tế của đất nước.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023, Bộ tiếp tục đôn đốc các địa phương, bộ ngành liên quan thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng chống thiên tai; Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia; Chiến lược Quốc gia về PCTT đến năm 2030; Kế hoạch phòng chống thiên tai Quốc gia đến năm 2025; Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025…

Bên cạnh đó là thực hiện tốt nhiệm vụ Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động phòng ngừa; kiểm soát an toàn; chỉ đạo kịp thời ứng phó mưa lũ, khắc phục hiệu quả nhằm giảm nhẹ thiệt hại; chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc phương án đảm bảo an toàn công trình đối với hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ, công tác rà soát, tổng hợp vật tư dự trữ chuyên dùng phục vụ công tác phòng chống thiên tai; xây dựng kịch bản ứng phó với lũ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét và các loại hình thiên tai khác. Bộ cũng ban hành Chỉ thị số 1148/CT-BNN-ĐĐ ngày 01/3/2023 về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ bão năm 2023. Đặc biệt, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương để cung cấp và tiếp nhận thông tin liên quan đến thiên tai được kịp thời, chính xác, hiệu quả. Có hơn 30.000 tin bài về phòng chống thiên tai được các cơ quan báo chí tuyên truyền đến cộng đồng; gửi hơn 38,2 triệu tin nhắn zalo khuyến cáo kỹ năng ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, bão… tới thuê bao của người dân vùng ảnh hưởng.

bai thien tai.jpg
Hoạt động thuỷ lợi và phòng chống thiên tai tốt góp phần nâng cao năng xuất cây trồng. 

Năm 2023, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, xảy ra 21/22 loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng… đặc biệt là các đợt mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển… Thống kê trong năm 2023 cho thấy có 05 cơn bão, 03 ATNĐ; 180 trận mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 249 trận dông lốc, sét, mưa đá; 342 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 341 trận động đất; 02 đợt rét đậm, rét hại; 22 trận gió mạnh, sóng lớn trên biển…

Bộ đã kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long; hướng dẫn địa phương kịp thời khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân. Tính đến ngày 25/12/2023, thiên tai đã làm 166 người chết, mất tích; 151.923 ha lúa, hoa màu; 85.487 con gia súc, gia cầm; 4.005 ha diện tích NTTS bị thiệt hại... thiệt hại kinh tế khoảng 8.236 tỷ đồng (giảm 42% so với năm 2022).

Trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa, công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện Chỉ thị số 1416/CT-BNN-TL ngày 10/3/2023 của Bộ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023; Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...
Những nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai trong năm 2023 góp phần quan trọng trong kết quả sản xuất nông nghiệp và tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV