Để tăng cường nhận thức và năng lực nghề nghiệp cho nhà giáo, người lao động ở các trường học góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt những hành vi ứng xử không phù hợp, vi phạm đạo đức trong nhà trường, nhiều trường học tại Nam Định đã xây dựng kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Ban giám hiệu các nhà trường và công đoàn cơ sở trường học phối hợp chặt chẽ để động viên, hỗ trợ giáo viên có cách ứng xử phù hợp, hiệu quả trong các tình huống sư phạm, trong các mối quan hệ, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo, nêu gương tốt về tác phong người thầy. Qua đó, bồi dưỡng cho các thầy cô, nhân viên trong nhà trường nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, thực hiện tốt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”.

Nhiều trường thường xuyên đưa ra những câu hỏi xử lý tình huống sư phạm cho giáo viên trong các cuộc thi năng lực sư phạm để nâng cao ý thức trách nhiệm và cách xử lý của giáo viên trong giáo dục học sinh. Yêu cầu thay đổi các hoạt động giáo dục cũng được đưa ra, trong đó, thầy cô giáo chú trọng nhiều hơn các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống. 

Các buổi chào cờ truyền thống cũng được thay đổi bằng hình thức giáo dục học sinh sinh hoạt theo chủ điểm từng tháng, tạo cơ hội để các em tham gia sinh hoạt tập thể, trao đổi học tập, rèn luyện sự mạnh dạn, lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. 

hoc sinh5.jpeg
Nhiều giáo viên tích hợp giáo dục cho học sinh kỹ năng sống - kỹ năng giao tiếp ứng xử trong các tiết học.

Trong năm học, nhiều trường như: THPT Ngô Quyền; Tiểu học, THCS, THPT Nguyễn Công Trứ đã mời chuyên gia tâm lý về nói chuyện và giao lưu với giáo viên, học sinh về các vấn đề của tuổi mới lớn, các kỹ năng cơ bản ứng phó trước những tình huống phức tạp xảy ra trong nhà trường, trong cuộc sống hàng ngày…

Tại các trường THPT: Nguyễn Khuyến, Trần Văn Lan, giáo viên tích hợp giáo dục kỹ năng sống - kỹ năng giao tiếp ứng xử trong các tiết học, các bài giảng ở tất cả các bộ môn trên lớp để rèn kỹ năng xử lý tình huống cho học sinh.

Để nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm phát huy tinh thần ứng xử văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh, "nói không với bạo lực học đường" trong tập thể sư phạm nhà trường và học sinh trong những ngày đầu năm học, trong hội nghị cán bộ viên chức, trong các cuộc họp giao ban, trong các cuộc họp tổ chuyên môn…  

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV