Thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tính đến tháng 10/2024, toàn quốc có gần 270.000 người nhiễm HIV, trong đó hơn 11.000 ca nhiễm mới, 1.263 ca tử vong.
Hiện, HIV/AIDS được ghi nhận khắp các tỉnh thành, từ thành phố lớn đến các vùng quê với đủ các thành phần mắc.
Trong đó, cơ tới hơn 68% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TPHCM, độ tuổi 15-29 chiếm tỷ lệ lớn. Nam giới nhiễm HIV vẫn giữ xu hướng tăng và chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm mới hằng năm.
Điều đáng lo ngại theo ghi nhận tại các địa phương, kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV của giới trẻ còn hạn chế: thiếu thông tin và kiến thức đúng, đủ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, HIV/AIDS và các biện pháp dự phòng như bao cao su, PrEP; chưa dám bộc lộ, chia sẻ tình trạng của bản thân; tự kì thị của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin, toàn cầu hóa của xã hội, tâm lý tò mò, thích khám phá, thể hiện bản thân của thanh niên, trong khi thiếu kiến thức, hiểu biết cũng là vấn đề làm gia tăng tình trạng lây nhiễm mới HIV trong nhóm này.
Nhằm tạo môi trường sinh hoạt, hỗ trợ, tăng cường nhận thức cho nhóm người nhiễm HIV, nhóm Nắng Cuối Trời (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã ra đời.
Anh Vũ Tuấn Anh, Tích Sơn, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, thành viên nhóm “Nắng cuối trời” kể lại, khi anh học lớp 11 trong khi bạn bè đi học thì anh lao vào ăn chơi, bỏ nhà đi bụi rồi trượt dài trong tệ nạn. Hệ quả là đến giờ, anh phải mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
“Bị xã hội, bạn bè xa lánh, kỳ thị, người thân trong gia đình có khoảng cách, tôi sống trong tâm trạng sụp đổ hoàn toàn, thiếu sự sống, sống khép mình trong vô vọng, gần như bế tắc trong cuộc sống, mọi ý nghĩ điên rồ đã hiện ra trong tâm trí tôi”, anh Tuấn Anh nhớ lại.
Được người nhà đưa đến Trung tâm cai nghiện của tỉnh, tại đây anh được cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc bản thân và phòng, tránh lây nhiễm cho cộng đồng, tuyên truyền, hướng nghiệp công việc, dần dần người đàn ông đã tìm thấy tia ánh sáng ở cuối con đường.
Đặc biệt, khi anh Tuấn Anh gặp Hằng- một người đồng cảnh, cả hai đã thành lập ra nhóm “Nắng Cuối Trời”.
“Hằng là nhóm trưởng phụ trách chung còn tôi là cộng tác viên là thành viên trong nhóm có nhiệm vụ kêu gọi tuyên truyền và mời các thành viên khác tham gia vào nhóm “Nắng cuối trời”.
Khi mới thành lập nhóm gặp không ít khó khăn vướng mắc là làm thế nào để vận động, thuyết phục các thành viên tham gia cùng vào nhóm sinh hoạt.
Tưởng chừng như khó khăn và rơi vào bế tắc và không thành công nhưng đến khi các thành viên khác được nghe, tuyên truyền thì ai đấy cũng đều hứng khởi, hào hứng xin tham gia vào nhóm “Nắng cuối trời” của chúng tôi.
Nhóm “Nắng cuối trời” đi vào hoạt động lúc đầu chỉ có 5 đến 10 thành viên, chúng tôi cũng phải lên kế hoạch, xây dựng riêng cho nhóm cách hoạt động, phương thức hoạt động cho từng thành viên trong nhóm.
Và rồi đến năm 2022, nhóm “Nắng cuối trời” được dự án SPR-COVID hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ nâng cao năng lực phòng chống bệnh truyền nhiễm, chăm sóc sức khỏe và triển khai những mô hình hỗ trợ cho cộng đồng dễ bị tổn thương.
Khi tham gia dự án, chúng tôi được tham gia rất nhiều hoạt động như hỗ trợ, tiếp cận giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi, tổ chức truyền thông tháng, tham gia tập huấn với nhiều nội dung khác nhau do dự án tổ chức, triển khai sáng kiến hỗ trợ nhóm…
Mỗi lần tổ chức sinh hoạt truyền thông tháng, dự án cũng mời các cán bộ, nhân viên y tế Tỉnh, huyện, xã tham dự và giảng dạy cho chúng tôi biết cách phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm như COVID-19, bạch hầu, sởi, dại, tiêu chảy, lao phổi, lậu, giang mai…và cách chăm sóc sức khỏe thật tốt để phòng tránh các bệnh này vì chúng tôi đều có sức đề kháng không tốt.
Dần dần các thành viên khác biết đến xin tham gia vào nhóm và chúng tôi tiếp cận nhiều anh em cùng hoàn cảnh khác nên đến hiện nay con số thành viên trong nhóm rất đông”, anh Tuấn Anh thông tin.
Tính đến tháng 6 năm 2024, Nhóm Nắng Cuối Trời có 10 thành viên nòng cốt và 294 thành viên được tiếp cận đang tham gia vào các hoạt động của nhóm.
Toàn bộ thành viên của nhóm Nắng Cuối Trời là những người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV. Trong nhóm, đa số các thành viên đều có hoàn cảnh khó khăn, một số thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau dịch COVID-19.
“ Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi học tập, tập huấn cho các thành viên trong nhóm, rồi các thành viên nòng cốt này tiếp tục truyền thông cho anh em qua các buổi truyền thông nhóm nhỏ hay qua zalo, hay qua các buổi sinh hoạt trực tiếp.
Khi sinh hoạt, học tập, nhóm đều mời cán bộ địa phương, cán bộ y tế Trung tâm và các chuyên gia đầu ngành tới dự, chúng tôi được các chuyên gia tư vấn về kỹ năng truyền thông dự án phòng, chống dịch bệnh. Từ đó các thành viên trong nhóm “Nắng cuối trời” dễ hiểu về các bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm như: bệnh lậu, giang mai hay bệnh bạch hầu…., biết cách phòng, tránh”, anh Tuấn Anh thông tin.
Được biết anh Tuấn Anh là 1 trong số hàng trăm người đã tham gia dự án SPR-COVID. Dự án SPR-COVID hợp tác và hỗ trợ 10 nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, lao động nhập cư, người dân tộc thiểu số, các nhóm bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn 3 tỉnh dự án là Vĩnh Phúc, Khánh Hòa và Long An từ tháng 11/2022 đến tháng 10/2024.
Tính đến giữa năm 2024, dự án đang hợp tác với 100 tiếp cận viên, tiếp cận được hơn 3.000 người, tổ chức truyền thông được gần 3.000 lượt người, thực hiện hoàn thành 8 sáng kiến và đang tiếp tục hỗ trợ triển khai 3 sáng kiến cộng đồng.
Hoạt động của các nhóm cộng đồng tập trung vào: hoạt động tiếp cận, truyền thông nhóm nhỏ, tập huấn nâng cao nhận thức, tư vấn, triển khai sáng kiến, kết nối dịch vụ của các nhóm cộng đồng, mang lại lợi ích trực tiếp cho các thành viên trong cộng đồng, giúp mọi người có cơ hội học hỏi, bổ sung kiến thức, kỹ năng, tăng cường sự kết nối của các thành viên, tăng cường sự đoàn kết, và chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng ứng phó với những tình huống y tế khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai.