Ngày 24/8/2023, Claude Picasso, con trai của danh họa Picasso mất ở tuổi 76. Ông là người chịu trách nhiệm quản lý tài sản của cha. Claude và em gái Paloma là chứng nhân cho mối tình vừa say đắm vừa nhiều biến cố của Picasso và nữ họa sĩ Francoise Gilot. 

Cách đây 2 tháng, Gilot qua đời ở tuổi 102 tại TP.New York (Mỹ). Bà là một họa sĩ nổi tiếng, đã sáng tác nghệ thuật trong hơn nửa thế kỷ nhưng chủ yếu được biết tới bởi mối quan hệ đầy sóng gió với Picasso.

Gilot (khi còn trẻ) xuất hiện trong nhiều bức vẽ của Picasso. Ảnh: Stanford Daily

Yêu những người kiệt xuất 

Gilot đã yêu Picasso và tin tưởng vào niềm đam mê chung với nghệ thuật. Họ có hai người con, Claude và Paloma. Sau đó, Gilot đã quyết định ra đi và là người duy nhất từng bỏ Picasso. 

Năm 2016, Gilot chia sẻ trên Guardian: “Tôi không phải là tù nhân trong mối quan hệ đó. Tôi nói với ông ấy: Hãy coi chừng, em đến khi em muốn và sẽ rời đi theo ý mình. Ông ấy nói: Không ai bỏ một người đàn ông như anh”. 

Sinh ngày 26/11/1921 tại vùng ngoại ô rợp bóng cây của Paris (Pháp), Gilot là con một trong gia đình giàu có. Lúc 5 tuổi, Gilot đã muốn trở thành họa sĩ. Theo mong muốn của cha mẹ, Gilot học luật nhưng vẫn duy trì đam mê nghệ thuật. Năm 1943, lần đầu tiên, nữ họa sĩ người Pháp trưng bày những bức tranh của mình.

Đó cũng là năm Gilot tình cờ gặp Picasso khi bà và người bạn ghé thăm một nhà hàng. “Tôi 21 tuổi và thấy hội họa là cả cuộc đời mình”, bà viết trong cuốn sách Cuộc đời với Picasso. 

Khi Gilot và người bạn nói họ là họa sĩ, Picasso đáp: “Đó là điều buồn cười nhất mà tôi từng nghe. Những cô gái trông như thế này không thể nào là họa sĩ được". Picasso mời họ tới thăm xưởng vẽ của ông và mối quan hệ giữa nữ nghệ sĩ trẻ và người đàn ông hơn cô 40 tuổi nhanh chóng bắt đầu. Picasso và Gilot chưa bao giờ kết hôn nhưng họ có với nhau hai người con. 

Không lâu sau khi bỏ Picasso năm 1953, Gilot kết hôn với người bạn cũ, nghệ sĩ Luc Simon vào năm 1955. Họ có một cô con gái - Engel - và ly hôn năm 1962.

Năm 1970, Gilot cưới nhà virus học Jonas Salk, người sáng chế ra vắc xin bại liệt, sau thời gian yêu đương ngắn ngủi. Họ thường xuyên di chuyển giữa California (Mỹ) và Paris (Pháp), sau đó là New York (Mỹ). Salk qua đời vào năm 1995, Gilot chuyển đến New York sống cho tới cuối đời. 

Theo National Post, khi được hỏi điều gì ở bà đã thu hút những người đàn ông xuất sắc như vậy? Gilot trả lời: “Tôi nghĩ tôi cũng thú vị như họ. Sư tử tìm đến với sư tử. Chúng không kết giao với chuột”. 

Picasso và Gilot vào năm 1951. Ảnh: El Pais

Cuộc đời sóng gió

Trong 10 năm bên Picasso, Gilot thường xuyên bị vợ hợp pháp của ông, Olga Khokhlova, cựu vũ công ballet quấy rối trên đường phố Paris. Picasso cũng không ủng hộ sự nghiệp hội họa của bà. 

Khi bị Gilot bỏ, Picasso mỉa mai: “Em tưởng mọi người sẽ để tâm tới em? Thậm chí khi em nghĩ mọi người thích mình, thật ra họ chỉ tò mò về một người từng gắn bó sâu sắc với tôi thôi”. Ông cũng nói những người buôn tranh không mua tác phẩm của bà. 

Tuy nhiên, Gilot vẫn miệt mài sáng tác, giá trị các bức vẽ của bà tăng dần theo thời gian. Năm 2021, bức chân dung mang tên Paloma à la Guitare (1965) được bán với giá 1,3 triệu USD. Tác phẩm của bà được trưng bày ở nhiều bảo tàng nổi tiếng, bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Mỹ). 

Gilot vẫn miệt mài sáng tác sau khi rời bỏ Picasso. Ảnh: Christie's

Chuyên gia Simon Shaw cho biết, trong thập kỷ qua, các bức tranh của Gilot đạt được sự công nhận mà chúng xứng đáng có được. “Gilot đã thành danh trên con đường trở thành họa sĩ khi lần đầu tiên gặp Picasso… Nghệ thuật của bà ấy giống như nhân vật trong tranh tràn ngập màu sắc, năng lượng và niềm vui”, Shaw lý giải. 

Dù vậy, Gilot cũng không bao giờ phủ nhận quá khứ của mình với Picasso. Bà đã cho ra mắt nhiều cuốn sách, nổi tiếng nhất và bán chạy trên toàn cầu là Cuộc đời với Picasso, viết cùng với Carlton Lake vào năm 1964. Picasso tức giận và tìm cách cấm xuất bản tác phẩm nhưng không thành công. Ông đã kiện bà 3 lần nhưng đều thua. 

Bức 'Paloma à la Guitare' được bán với giá 1,3 triệu USD. Ảnh: Sotheby's

Cuốn hồi ký khiến nghệ sĩ người Tây Ban Nha tức giận đến mức ông cắt đứt liên lạc với Gilot và hai đứa con của họ. Đó là nguồn cảm hứng cho bộ phim Surviving Picasso năm 1996 do Merchant Ivory đạo diễn. Trong phim, Anthony Hopkins đóng vai Picasso còn Natascha McElhone đóng Gilot. 

Tất cả lợi nhuận từ cuốn Cuộc đời với Picasso được dùng để giúp Claude và Paloma khởi kiện nhằm trở thành người thừa kế khối tài sản khổng lồ của Picasso. 

Tuy nhiên, Engel, con gái riêng của Gilot nhớ lại: “Mẹ tôi kể, sau lần thua kiện thứ ba, ông ấy gọi cho bà nói lời chúc mừng. Ông ấy đã đấu tranh nhưng đồng thời, tôi nghĩ ông ấy tự hào khi được ở bên một người phụ nữ có lòng dũng cảm”. 

Engel lưu ý rằng mặc dù chuyện tình cảm với Picasso rõ ràng là một mối quan hệ trắc trở nhưng giúp mẹ cô thoát ly khỏi gia đình và bà đã theo đuổi được ước mơ trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp.