Trong thế giới hội họa, chuyện các nghệ sĩ tự phá hủy tranh của mình không hiếm. Lý do có thể xuất phát từ nhu cầu xóa bỏ tác phẩm không ưng ý hay có nỗi khổ về tinh thần. Họ nắm quyền sở hữu tác phẩm, tạo ra và có thể phá đi. Nghệ sĩ đường phố Banksy từng tuyên bố: “Sự thôi thúc phá hủy cũng là thôi thúc sáng tạo”.
Danh sách các họa sĩ tự hủy tranh của mình có rất nhiều tên tuổi lừng danh như Michelangelo, Claude Monet, Jasper Johns, Georgia O’Keeffe, Francis Bacon, Banksy... Tuy nhiên, người phá số tranh kỷ lục với con số khó tin 500 bức thì có lẽ Monet là trường hợp hiếm hoi.
Không ưng là phá hỏng
Trong 25 năm cuối đời, danh họa người Pháp gần như dành toàn bộ thời gian để vẽ khu vườn của mình. “Tôi chỉ giỏi hai việc, đó là: làm vườn và vẽ tranh”, ông nói.
Năm 2021, bức sơn dầu Ao hoa súng (vẽ năm 1919) của Monet được bán với giá 70,4 triệu USD. Loại hoa này đã truyền cảm hứng để ông tạo ra gần 300 bức tranh, hơn 40 bức trong số đó là khổ lớn.
Tuy nhiên, theo Daily Mail, chủ nghĩa hoàn hảo khiến người nghệ sĩ không hài lòng với nhiều tác phẩm của mình đến nỗi ông đã phá hủy cả trăm bức vẽ hoa súng. Năm 1908, một buổi triển lãm phải hoãn lại sau khi ông dùng dao rạch 15 bức.
Ross King - người viết tiểu sử Monet, cho hay, danh họa làm hỏng bất kỳ bức tranh nào không đáp ứng tiêu chuẩn cao của ông.
Người bạn thân của họa sĩ, cựu Thủ tướng Pháp Georges Clemenceau chia sẻ vào tháng 5/1927, năm tháng sau khi Monet qua đời: “Monet sẽ phá các bức vẽ khi ông ấy tức giận. Sự phẫn uất đó sinh ra từ cảm giác không hài lòng với công việc của bản thân. Ông ấy là nhà phê bình lớn nhất của chính mình. Monet phá hủy các bức tranh sơn dầu trong hành trình tìm kiếm sự hoàn hảo”.
Tổng số tranh bị Monet làm hỏng khoảng 500 bức, trong đó một phần ba đến một nửa vẽ hoa súng.
Clemenceau đã trả lời phỏng vấn trùng với thời điểm triển lãm 22 bức tranh hoa súng của Monet ở Paris năm 1927. Trong số các tác phẩm trên, một bức có vết cắt bằng dao nhưng dường như không bị tác động quá lớn.
Tình yêu với hoa súng của Monet bắt đầu vào năm 1883 sau khi ông chuyển đến Giverny (cách Paris khoảng 80km), nơi ông sống 43 năm cho đến khi qua đời. Trong khuôn viên nhà, họa sĩ đã cho làm một khu vườn theo phong cách phương Đông với ao sen, cầu vòm kiểu Nhật. Ở đây có cả hoa súng bản địa và những loại khác nhập từ Nam Mỹ, Ai Cập.
Vẫn vẽ tranh khi sắp mù
Theo Science History, quang phổ thị giác của con người bắt đầu từ màu đỏ mở rộng sang màu tím. Nhưng ngoài ánh sáng tím thông thường còn có tia cực tím có bước sóng ngắn hơn. Một số động vật nhìn thấy dải màu rộng hơn chúng ta, bao gồm cả màu tím đó.
Khả năng nhìn thấy tia cực tím của Monet lại nhen nhóm từ chuyện không may. Năm 1905, khi ông 65 tuổi, thị lực ngày càng mờ. Cảm nhận màu sắc của họa sĩ yếu dần đi, mọi thứ trông như nâu úa. Bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán Monet bị đục thủy tinh thể do tuổi tác hoặc loại sơn chì dùng để vẽ.
Monet phớt lờ căn bệnh, mong tự khỏi. Nhưng đục thủy tinh thể khiến ông bị chói mắt nên chỉ có thể vẽ vào lúc gần bình minh và hoàng hôn, khi ánh sáng dịu dàng nhất.
Năm 1922, Monet gần như mù hẳn với thị lực 1/10.
Tranh của Monet xấu đi rõ rệt, các nét vẽ không còn tinh tế, tỉ mỉ mà trở nên thô, dày. Ông không cảm nhận được các màu thanh mát như xanh lam, xanh lục. Những đóa hoa súng màu nâu và ao trông giống như đầm lầy tù đọng. Ông bù đắp bằng các màu khác như vàng, đỏ rực. Khi đó, khu vườn yêu dấu của ông trong tranh như tái hiện địa ngục.
Các bác sĩ khuyên Monet mổ mắt nhưng ông từ chối, đặc biệt sau ca phẫu thuật tương tự khiến họa sĩ Mary Cassatt phải chấm dứt sự nghiệp vào năm 1919.
Nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức năm 1922, Monet hầu như không phân biệt được một số màu nhất định. Ông phải dán tên màu lên các tuýp sơn.
Cuối cùng, Monet không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đối mặt với ca phẫu thuật vào năm 1923. Ông chỉ mổ một mắt đề phòng trường hợp rủi ro. Điều kỳ lạ xảy ra, sau đó Monet có thể cảm nhận được màu tím bí ẩn mà chỉ các chú ong mới thấy. Ông bắt đầu vẽ những bông hoa súng với sắc thái của màu xanh lam và tím.
Khi ca phẫu thuật qua đi, Monet muốn rũ bỏ những bức tranh mà ông đã vẽ trong giai đoạn đục thủy tinh thể do nét vẽ thô và màu sắc lòe loẹt. Ông từng nói: "Tôi sẽ nổi cơn thịnh nộ điên cuồng" khi nhìn thấy các tác phẩm đó và ông đã dùng dao rạch hỏng.