Bạn tôi vui mừng khoe là con bạn đỗ trường chuyên. Tôi nhiệt liệt chúc mừng và cũng cảm thấy vui với niềm vui của bạn. Trong khi đó, con trai thứ hai của tôi, lên lớp 6, không đủ điểm để được học trường chuyên, tôi cho con đi tham quan một số trường gần nhà và con đã hài lòng chọn một “trường làng” vì con bảo nhìn sạch sẽ, khang trang.
Con hỏi: “ Cả nhà mình “ba đời học chuyên”, anh giỏi nên cũng đỗ chuyên, còn con thì học kém phải không mẹ?”. Tôi nói với con: “Không con ạ, anh giỏi hơn con về điểm số ở trường nhưng con cũng giỏi rất nhiều thứ, ví dụ như con giỏi giúp mẹ việc nhà, con giỏi chạy nhảy, con giỏi kết bạn, con biết yêu quý các bạn và đồng cảm với những bạn gặp khó khăn, con biết nói những lời hay ý đẹp, con không đòi hỏi, yêu sách, cáu gắt mà rất yêu đời, hay hát, hay cười, … Con có biết đó cũng là một loại chỉ số thông minh không? Học chuyên có rất nhiều bạn giỏi, nhưng còn có nhiều con đường khác để đi đến thành công và hạnh phúc con yêu ạ!”.
Nghe xong những lời đó, tôi nhận thấy rõ niềm vui trên khuôn mặt con và sự tự tin trong mỗi hành động con làm. Cả gia đình tôi và con đều vui vẻ và sẵn sàng học “trường làng”, không mảy may nghĩ ngợi hay lo lắng.
Nhà tôi ba đời học chuyên! Nghe điều đó chắc độc giả thấy nực cười vì giống một quảng cáo nào đó. Thực ra, tôi không có ý khoe khoang hay quảng cáo, thậm chí nói ra còn sợ bị chê cười. Tôi viết ra đây chỉ với mục đích muốn bày tỏ chút quan điểm cá nhân mà thôi.
Mặc dù chúng tôi rất yêu và trân quý ngôi trường và môi trường mà chúng tôi đã từng học tập nhưng chúng tôi không hề đặt áp lực lên con là phải đỗ trường chuyên lớp chọn. Chúng tôi luôn đồng hành cùng con chỉ để con biết rằng dù con giỏi hay kém, vui hay buồn đều có gia đình bên cạnh và sẽ cùng nhau vượt qua.
Nếu nói cảm nhận của chúng tôi về ngôi trường chuyên mình từng học, chúng tôi và những người bạn đều cảm thấy rất vui và tự hào. Song, nếu có đủ năng lực và cơ hội, chúng tôi lại vẫn ước mơ được học tập tại những ngôi trường danh tiếng nhất trên thế giới.
Tại sao Havard, Oxford, Cambridge… vẫn luôn là những trường hàng đầu về giáo dục, là ước mơ, là khao khát được trải nghiệm học tập của biết bao người trên thế giới? Vì ở đó được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ học tập đầy đủ hơn. Ở đó có nhiều thầy cô giỏi, có những người bạn cùng đam mê, cùng chí hướng và đặc biệt là một môi trường gồm rất nhiều anh chị đi trước và những người đang theo học tạo thành một mạng lưới luôn tạo động lực, hỗ trợ nhau cùng tiếp nối truyền thống vẻ vang mà trường đã có.
Tại sao trên thế giới vẫn luôn có sự phân loại và xếp hạng? Ví dụ trong thể thao có giải ngoại hạng, trong kinh doanh có bình chọn những công ty tốt nhất, giữa các quốc gia cũng có xếp loại quốc gia nào hạnh phúc hay đáng sống nhất. Trong học tập có xếp loại A, B, C hoặc số 1, số 2, hay top 100 trường hàng đầu thế giới.
Để lý giải câu hỏi trên, tôi lấy một ví dụ sau đây có thể gây bất bình với nhiều người nhưng đó là một thực tiễn. Ở chợ, hàng rau, hay hàng hoa quả họ sẽ phân loại đồ tươi ngon mới và hàng héo úa, dập cũ vào những rổ khác nhau. Kể cả hàng tôm, cá, ốc,… cũng cần có sự phân loại như vậy. Nếu không phân loại mà trộn lẫn đồ cũ đồ mới, hàng tươi ngon với hàng héo dập thì tất cả cùng hỏng, tốc độ hỏng nhanh hơn rất nhiều so với việc phân loại. Nếu trong nồi ốc của bạn có vài con ốc bị thối hỏng, chắc chắn cả nồi ốc sẽ bị thối theo. Chỉ cần có vài cọng rau úa vàng, úng dập nằm lẫn trong túi rau xanh thì chẳng mấy chốc, cả túi rau cùng “rủ nhau” úng dập.
Con người cũng vậy. Đặc điểm con người có tính “lây lan” và “truyền nhiễm” rất nhanh. Vì vậy cha ông ta mới có câu: “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng”. Đó là sự thật phũ phàng mà chúng ta buộc phải chấp nhận.Tôi hoàn toàn không có sự kì thị ở đây, cũng không muốn đánh đồng tất cả, càng không hề muốn đánh giá con người như đánh giá đồ vật. Thậm chí, đối với con người, còn có những điều kỳ diệu xảy ra, ví như “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” hay có khi “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, sẵn sàng đồng cam cộng khổ không chê kẻ yếu, kẻ khó.
Nhưng trong giáo dục, nhìn ở góc độ tổng quát, tôi muốn khẳng định rằng môi trường là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó chiếm trọng số khoảng 30% đối với sự thành công của một con người.
Ngô Bảo Châu liệu có đạt giải Field nếu trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp? Đặng Thái Sơn liệu có đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin nếu không đi du học? Những doanh nhân hàng đầu ở Việt Nam hiện nay như Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình, Nguyễn Thị Phương Thảo … đều từng học chuyên hoặc đi du học.
Vậy nên, những người tài giỏi cần được đặt đúng môi trường phù hợp thì mới có “đất dụng võ”. Tôi đồng ý rằng sự thành công của một người phần lớn là do sự nỗ lực tự thân. Tuy nhiên, nếu một cái cây khoẻ mạnh, xanh tốt nhưng lại phải sống trên một mảnh đất cằn cỗi, thiếu điều kiện phát triển thì cái cây sẽ trở nên còi cọc mà thôi.
Tôi mơ về những ngôi trường hàng đầu thế giới, tôi ngưỡng mộ những người có đủ năng lực để được học tập ở đó nhưng không có nghĩa là tôi quay lưng với ngôi trường “đẳng cấp thấp hơn” mà tôi từng học, tôi càng không chê bai, coi thường những môi trường kém hơn.
Tôi nghĩ, chúng ta không nên mất quá nhiều thời gian chỉ trích, chê trách lẫn nhau mà nên xây dựng một tư duy tích cực. Đó là, thấy ai giỏi, ai tốt, ai thành công thì nên khen ngợi, trân trọng, vinh danh họ; thấy ai kém hơn thì cần yêu thương, đồng cảm và tạo môi trường tốt hơn cho họ.
Vậy nên, vấn đề không phải là nên duy trì trường chuyên hay không, mà vấn đề thực sự nằm ở chỗ: trân trọng, khen ngợi trường chuyên nhưng đừng quá sùng bái đến mức bất chấp mọi cách phải vào, đừng cố “chạy trường” cho con, đừng bắt ép con phải bằng bạn bằng bè, đừng so sánh với “con nhà trường chuyên”, nếu điều đó gây ra nỗi khổ sở cho con mình.
Bên cạnh đó, cần đặt ra câu hỏi việc đầu tư ngân sách cho trường chuyên liệu có xứng đáng hay không? Tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tiến hành một cuộc khảo sát đối với những cựu học sinh trường chuyên trên cả nước để xem mức độ thành công của họ sau ra trường. Sau đó, cần đối chiếu với tỷ lệ thành công của những học sinh lớp thường để có câu trả lời rõ ràng, chính xác cho xã hội. Nếu kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh trường chuyên không thành công hơn so với trường thường thì tôi nghĩ không nên duy trì trường chuyên.
Cuối cùng, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa, thực hiện nhiều cải cách hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường thường để sao cho khẩu hiệu “đừng để ai ở lại phía sau” không phải là lời hô hào suông trong giáo dục.
Và quan trọng hơn, đối với những bậc làm cha làm mẹ thực sự sẽ hiểu, dù con của chúng ta, có đứa giỏi đứa kém, đứa đẹp đứa xấu, đứa nào cũng “đứt ra từ khúc ruột của mình”, lẽ nào chúng ta lại “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, thương đứa này mà không thương đứa kia?
Đỗ Hải