- Không giống như thái độ nhởn nhơ của Luyện ở phiên sơ thẩm, dự tòa lần này, Luyện mang gương mặt “thần sầu”, ánh mắt thảng thốt lo sợ. Trông hắn gầy sọm hẳn đi, hẳn có điều gì đã tác động đến tâm lý của tên tội phạm?


Buổi sáng ngày 30/3, Lê Văn Luyện được đưa ra xét xử phúc thẩm. Vẫn bước vào phòng xử án trong tiếng chửi rủa, la ó của gia đình bị hại, nhưng lần này thái độ của Luyện đã khác hẳn với phiên xử trước. Hắn tỏ ra hiền lành và cam chịu hơn. Suốt phiên xử hắn đeo gương mặt của một “thần sầu”, mắt luôn ánh lên vẻ thảng thốt, lo sợ và đầy mệt mỏi.

Không còn béo trắng và tỏ thái độ nhởn nhơ khi bước vào phòng xử án, trông Luyện gầy sọm đi, mắt trũng sâu, nước da xanh mét và đôi mày rậm của hắn luôn cau lại.

Cũng vẫn bị dẫn đi trong hành lang nhỏ hẹp nhưng Luyện ở phiên sơ thẩm (ảnh phải) thì nở nụ cười tươi, còn trong phiên phúc thẩm (ảnh trái) thì mang gương mặt “thần sầu”.
Còn nhớ, chiều ngày 11/1, trong phiên tòa sơ thẩm, khi Lê Văn Luyện được đưa vào phòng xét xử, người nhà bị hại cũng la ó, chửi mắng kẻ sát nhân. Đáp trả thái độ của người nhà nạn nhân, Lê Văn Luyện ngồi giữa vòng vây của cảnh sát tỏ rõ vẻ tức tối, hai bàn tay trong chiếc còng số tám đan chặt vào nhau như thể cố ngăn sự tức giận.

Rồi như không thể kìm nén thêm được nữa khi phải liên tục nhận những lời thóa mạ, hắn mở to miệng, lẩm bẩm điều gì đó và hắn như muốn vùng đứng dậy. Nhận thấy điều này, cảnh sát bảo vệ tư pháp đã phải vội vàng đưa Luyện vào phòng cách ly. 



Nét buồn và vẻ mệt mỏi của Luyện.
Trong phiên phúc thẩm, vẫn ngồi ở hàng ghế đầu tiên đó, vẫn phải nghe những lời mạt sát, chửi rủa, la ó đó phát ra từ dẫy ghế ngồi của gia đình nạn nhân, nhưng lần này Luyện tỏ ra hiền lành hơn. Hắn không còn phản ứng như lần trước mà chỉ biết cúi gằm mặt đầy cam chịu.

Người dự tòa cũng không còn bắt gặp Luyện cười tủm khi các luật sư và vị đại diện VKS đang căng thẳng tranh luận như ở phiên sơ thẩm, không còn những ngón tay bấm chặt vào nhau, những cái nghiến răng khiến đôi cằm bạnh ra gân guốc. Thay vào đó, hắn không ít lần thở dài, đầu cúi thấp đầy mệt mỏi.

Trong suốt phiên xử, không ít lần được ngồi cạnh cha, nhưng không một lần hắn quay ra nhìn bố. Hai cha con hắn ngồi cạnh nhau nhưng không ai trao đổi, hỏi thăm nhau câu nào, mỗi người hướng mắt về một phía im lặng.

Rõ ràng Luyện không còn giữ sự bình thản, nhởn nhơ vốn có của tên sát nhân từ khi bị bắt cho đến lúc đưa ra xét xử sơ thẩm. Không biết điều gì đã tác động đến tâm lý của tên tội phạm?

Ngồi cạnh nhau trước tòa nhưng Luyện không lần nào quay sang nhìn bố hay trò chuyện.
Điều làm gia đình nạn nhân day dứt nhất vẫn là việc họ cho rằng Luyện đã không gây án một mình, vẫn còn kẻ đồng phạm với Luyện chưa bị lôi ra ánh sáng.

Luật sư Huỳnh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại từng trao đổi với VietNamNet rằng: Gia đình bị hại họ thừa hiểu vì Luyện phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nên không thể tuyên hắn tử hình. Nhưng điều khiến họ còn day dứt là vì cháu Bích đã khai rằng, có hai kẻ ra tay sát hại gia đình cháu. Họ muốn kháng cáo với mong muốn lớn nhất là không để lọt tội phạm.

Thế nhưng trong suốt phiên xử sơ thẩm, được hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần, Luyện vẫn một mực khai rằng mình gây tội một mình, không hề có đồng phạm.

Bé Bích được về quê trong ngày xử phúc thẩm Luyện

Ông Thanh, luật sư của gia đình bị hại cho hay: Trong ngày 30/3, bé Bích cũng có mặt tại Bắc Giang, tuy nhiên cô bé đã không đến dự phiên tòa.

Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, cô bé vẫn một mực khẳng định là cháu đã nhìn thấy hai người gây án. Trước đó, luật sư và gia đình rất lo lắng về việc khi đưa cháu Bích ra tòa làm chứng sẽ chỉ là lợi bất cập hại.

Có khi lại mất thêm người nữa không chừng. Thế nên gia đình đã không cho cháu đến tòa tham dự phiên xử”, lời ông Thanh.

Tiếp xúc với bé Bích trước ngày diễn ra phiên phúc thẩm, luật sư Thanh nhận thấy, sau khi biết được sự thật, Bích rất buồn và tỏ ra lo sợ.

Ông Thanh nói: “Hiện sức khỏe của cháu bình thường, ăn ngủ tốt, học giỏi lắm. Cô bé này cực kỳ giữ ý, ít khi thể hiện suy nghĩ của mình ra ngoài. Cháu mang tâm lý mọi việc xảy ra rồi thì phải chấp nhận, nhưng sự việc có lẽ không bao giờ có thể làm cho cháu quên được”.


Cũng theo lời luật sư Thanh, ngay đầu tiên thì Bích muốn đến dự phiên tòa, nhưng rồi cô bé nói, khi nghĩ đến việc nhìn thấy kẻ đã giết bố mẹ và em mình thì Bích không chịu nổi cho nên bé đã thay đổi ý kiến, không muốn ra tòa nữa.

Bên lề phiên tòa, luật sư Thanh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại cho rằng, cơ quan điều tra đã chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Ông Thanh cho hay, Luyện có ba ngày sinh. Trong chứng minh thư của Luyện ngày sinh là ngày 17, giấy khai sinh thì ngày sinh lại là 18 và sổ học bạ ngày sinh lại là ngày 25. Tuy nhiên cả ba ngày sinh đó thì Luyện đều chưa đủ 18 tuổi khi gây án.

Nhưng theo ông Thanh, ngày sinh chuẩn nhất phải là ngày sinh trong giấy chứng sinh, bởi rất nhiều trường hợp sinh con rồi sau đó nhiều ngày mới làm giấy khai sinh và giấy khai sinh lại ghi ngày khác. Thế nhưng giấy chứng sinh thì ngày sinh là bất di bất dịch, mới là chuẩn nhất.

Ông Thanh đặt giả thuyết: Nếu giấy chứng sinh cho thấy khi gây án Luyện đã đủ 18 tuổi, buộc hắn phải rơi vào khung hình phạt tử hình thì biết đâu lời khai của Luyện đã khác đi. “Trước cái sống và cái chết có khi người ta mới chịu nói thật”, lời ông Thanh.

T.Nhung