Rocket Internet là một công ty Internet có trụ sở tại Berlin (Đức) chuyên xây dựng các Startup công nghệ mới trên toàn cầu. Đặt mục tiêu trở thành Rocket Internet của Đông Nam Á, NextTech đang theo đuổi mô hình “Venture Builder” (tạm dịch là “cái nôi khởi nghiệp”) của Rocket Internet.

Khác với các vườn ươm (incubator) hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp cho tới lúc trưởng thành hay quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capitalist) rót vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, Venture Builder là mô hình một công ty đã khởi nghiệp thành công đưa ra ý tưởng rồi rót vốn cho một nhóm chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn xây dựng và triển khai thành một công ty khởi nghiệp mới trên nền tảng các nguồn lực sẵn có (nguồn vốn, công nghệ, bán hàng, tiếp thị…) trong hệ thống của mình.

Theo TechInAsia, cơ hội thoái vốn thành công từ những công ty khai sinh từ “cái nôi khởi nghiệp” là 60%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ chỉ 5-10% của các công ty khởi nghiệp từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Lý do là những công ty khởi nghiệp này được kế thừa nền tảng kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn và sự hỗ trợ từ hệ sinh thái của công ty bảo trợ. Điểm mấu chốt của mô hình này là sự “kết hôn” giữa công ty bảo trợ với đầy đủ nguồn lực với một nhóm đồng sáng lập là những chuyên gia đã có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực khởi nghiệp đó.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech, chia sẻ: “Chưa có ai thực sự triển khai mô hình này tại Đông Nam Á và chúng tôi mở cửa với tất cả các bạn trẻ Việt Nam có nền tảng chuyên môn và ước mơ khởi nghiệp, nhưng lại ít rủi ro và nhiều cơ hội thành công hơn”. Theo ông Bình, mô hình này có thể tạo ra những công ty khởi nghiệp chất lượng hơn trong khi giảm thiểu rủi ro cho những người đồng sáng lập vì không phải bỏ tiền góp vốn và vẫn hưởng lương tương đương thị trường.

NextTech là công ty mẹ của PeaceSoft, từng mở nhiều dịch vụ bán hàng và thanh toán trực tuyến tiên phong trong thị trường TMĐT Việt Nam. Nhằm tạo ra nhiều giá trị hơn với tư cách một Venture Builder, ông Bình cho biết NextTech cũng đang đầu tư vào giáo dục với thương hiệu Teky và nghiên cứu lĩnh vực công nghệ nông nghiệp với triết lý là hoặc đầu tư vào cái mới hoặc phải có điểm khác biệt.

Tìm ra một thị trường ngách và nhanh chóng tìm kiếm lợi nhuận là chiến lược mở rộng của NextTech trong bối cảnh ngành TMĐT đang phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó có việc “đốt” quá nhiều tiền mà chưa nhìn thấy cơ hội lợi nhuận bền vững trước mắt. Tại Việt Nam, nhiều tay chơi TMĐT phải đóng cửa sau khi tiêu hết tiền trong khi các thành viên của NextTech vẫn phát triển bền vững từ năm 2005 và bắt đầu mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á khác vào năm 2013. NextTech hiện có mặt tại Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Mỹ và lên kế hoạch IPO sau năm 2020.

Đầu năm 2016, công ty đã tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn để không dừng lại ở thị trường TMĐT trị giá 900 triệu USD mà tham gia vào cuộc chơi lớn hơn đó là điện tử hoá thương mại với tổng doanh số bán lẻ lên đến 110 tỷ USD/năm riêng tại Việt Nam bằng một chuỗi sản phẩm đột phá như Cổng thanh toán NgânLượng.vn, Cổng vận chuyển ShipChung.vn, Dịch vụ quẹt thẻ thanh toán trên di động mPoS.vn, Cổng mua sắm xuyên biên giới WeShop, Hạ tầng hậu cần kho vận BoxMe.vn và nhiều dịch vụ khác.

Chủ tịch NextTech tiếp tục: “Toàn cầu hoá hoặc đi về nhà, đó là phương châm hành động của chúng tôi. Con đường mở rộng ra quốc tế gặp rất nhiều thách thức trước khi chúng tôi đến được ngày hôm nay. Thông điệp của tôi gửi đến các doanh nhân trẻ Việt Nam là ngừng sợ hãi, hãy ra ngoài và trở thành một người từng trải”. SoftPay và WeShop là hai bộ phận trong NextTech đã có hoạt động trong khu vực, công ty dự định sẽ mở rộng mảng hậu cần kho vận sang Indonesia. Ông Bình lạc quan sẽ không lặp lại hành trình không may của Rocket Internet tại Đông Nam Á do được thành lập trong môi trường khó khăn hơn, không được may mắn gây quỹ thuận lợi như Rocket Internet nên NextTech luôn cẩn trọng và tính toán mọi đường đi nước bước cũng như kiên định với triết lý tạo ra lợi nhuận trong bất kỳ mảng kinh doanh nào. Nhờ đó, họ thành công trong việc tìm kiếm và đào tạo ra những nhà đồng sáng lập hiệu quả và nhanh nhạy trước mọi tình huống.

Ông Bình khởi xướng mô hình Venture Builder vì nhìn thấy rất nhiều cơ hội kinh doanh trong khu vực chưa được giải quyết và cần phải nắm bắt chúng bằng cách phối hợp với các chuyên gia trong các lĩnh vực có khát khao khởi nghiệp. Hiện nay tại Việt Nam đã có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, tổ chức hỗ trợ tăng tốc doanh nghiệp và Venture Builder (NextTech), mỗi mô hình lại hướng đến những nhóm đối tượng khởi nghiệp khác nhau. Vì vậy dù nhà đầu tư là ai, rõ ràng Startup Việt đang có nhiều lựa chọn hơn so với thời PeaceSoft mới bắt đầu 15 năm về trước.