Báo RT ngày 24/10 trích dẫn lời đại diện của Gazprom cho hay, chính phủ Moldova đã tự đẩy mình vào khủng hoảng và khoản nợ của nước này đối với công ty hiện lên tới 709 triệu USD. Gazprom cũng nhấn mạnh, sự việc không liên quan đến chính trị và công ty không thể hoạt động thua lỗ.

{keywords}
Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita cảnh báo, nếu tình trạng thiếu hụt khí đốt kéo dài, nó có thể tạo ra mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng nhiên liệu của đất nước. Ảnh: AP

Quốc hội Moldova ngày 22/10 đã phải công bố sắc lệnh khẩn cấp quốc gia nhằm bảo vệ nguồn cung khí đốt, trong bối cảnh khủng hoảng vì giá nhiên liệu leo thang và một hợp đồng cung ứng ký kết với Gazprom từ năm 2008 đã hết hạn vào tháng 9 vừa qua. Quyết định được đưa ra khi các nguồn cung hiện có chỉ đủ đáp ứng 67% nhu cầu khí đốt của quốc gia Đông Âu.

Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita nói, nước này cần thêm 16 triệu mét khối khí để lấp đầy khoảng thiếu hụt. Bà Gavrilita cảnh báo, nếu tình trạng thiếu hụt kéo dài, nó có thể tạo ra mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng nhiên liệu của đất nước.

Theo trang Euro News, Moldova hiện nhận khí đốt từ Nga thông qua Moldovagaz, một công ty liên doanh với Gazprom. Sắc lệnh khẩn cấp mới sẽ cho phép Chisinau tìm mua khí đốt từ những nước châu Âu khác.

Trong thời gian chờ đàm phán, Gazprom vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho Moldova tới hết tháng 10. Song, cho đến nay, hai bên vẫn chưa nhất trí về các điều khoản khôi phục hợp đồng.

Hôm 23/10, Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu, người dẫn đầu phái đoàn đến Moscow để thương lượng về khí đốt, tiết lộ không đạt tiến triển trong các cuộc đàm phán. Ông Spinu viết trên Facebook rằng, phía Nga đòi hỏi "nhiều điều kiện tài chính và phi tài chính, bao gồm cả việc dàn xếp khoản nợ lịch sử", đồng thời lưu ý giá phía Gazprom đưa ra "cao hơn các lời đề nghị khác trên thị trường khí đốt quốc tế".

Đáp trả, Gazprom cho hay, nhà chức trách Moldova có thể không thích giá khí đốt của Nga nhưng quá trình định giá diễn ra minh bạch và rõ ràng. Công ty cũng khẳng định, sẽ chỉ ký hợp đồng mới nếu Moldova chấp nhận trả nợ. Trong trường hợp hai bên không đạt tiếng nói chung, công ty có khả năng cắt nguồn cung từ tháng 11.

Tuấn Anh

Nghị viện châu Âu muốn chặn ‘dòng chảy phương Bắc 2’

Nghị viện châu Âu muốn chặn ‘dòng chảy phương Bắc 2’

Nghị viện châu Âu coi đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án chính trị, có thể đe dọa an ninh năng lượng châu Âu.