Thượng viện Nga đã phê chuẩn đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin về việc sử dụng lực lượng quân đội Nga tại cộng hòa tự trị Crưm, thuộc Ukraina.

Tổng thống Putin cho rằng động thái này là bước đi cần thiết để bảo vệ các công dân và quân nhân Nga đang sinh sống và đóng tại phía nam Crưm.

Hiện có 1,5 triệu người Nga đang sinh sống tại Crưm.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo ‘cái giá’ mà Nga phải trả cho hành động này.

Với việc này, Ukraina có khả năng đứng bên bờ xung đột quân sự, và dưới đây là ba điều cần biết nếu khả năng này xảy ra.

{keywords}
: Binh sĩ Nga tại Simferopol, Crưm, Ukraina.

 

1. Hạm đội biển Đen của Nga

Nga có thể tuyên bố rằng họ cần bảo vệ Hạm đội Biển Đen của mình tại Ukraina. Cảng Sevastopol là căn cứ của hạm đội này từ cách đây 230 năm.

Hạm đội này đóng tại cảng Sevastopol, là lực lượng có quy mô nhỏ nhất trong bốn hạm đội của Hải quân Nga. Hạm đội có 18 tàu ngầm, hai tàu tuần dương, 30 tàu khu trục và khinh hạm, cùng với khoảng 100 chiến hạm cỡ nhỏ.

Hạm đội này cũng là tâm điểm tranh chấp kể từ năm 1954, khi mà Liên Xô cũ chuyển Crưm, bao gồm cảng Sevastopol thành của Ukraina. Năm 2010, hai quốc gia đã đạt được một thỏa thuận cho phép hạm đội ở lại Sevastopol cho tới năm 2042.

Theo thỏa thuận này, Ukraina được giảm 30% giá khí đốt mà Nga bán. Kiev có thể tiết kiệm được trên 40 tỉ USD trong thời gian 10 năm nhờ mua khí đốt với giá này.

Hạm đội này cho phép Moscow duy trì ảnh hưởng tại phía đông Địa Trung Hải, khu vực Balkan và Trung Đông.

“Địa Trung Hải có tầm quan trọng với Moscow như thế nào thì đã được thấy rõ trong năm 2013, khi mà giữa bối cảnh nội chiến ở Syria, Moscow đã tuyên bố thành lập ‘lực lượng đặc nhiệm thường trực’ trên biển và điều tới 10 tàu chiến tới củng cố sự hiện diện của mình” – chuyên gia Christian Le Miere của Học viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế phân tích. “Tháng 8/2008, chính Hạm đội Biển Đen cung cấp 13 chiến hạm để đánh bại hải quân và lực lượng trên bộ rất hạn chế của Gruzia tại Abkhazia và Poti trong cuộc chiến chóng vánh”.

2. Khả năng Nga đưa thêm quân

Theo hãng thông tấn Itar-Tass của Nga, hiến pháp Nga yêu cầu cầu Hội đồng Liên bang xem xét và tranh luận về việc sử dụng vũ lực bên ngoài lãnh thổ Nga theo yêu cầu của Tổng thống. Yêu cầu này cần nêu được ‘lý do thích đáng’ cho việc sử dụng quân sự.

Chủ tịch của hội đồng xem xét yêu cầu, Tổng thống và Thủ tướng được mời để tham dự cuộc họp với hội đồng. Tổng thống hoặc một người đại diện sẽ trình bày báo cáo tại hội đồng.

Sau đó, các ủy viên của hội đồng về vấn đề quân sự và an ninh và quan hệ quốc tế sẽ đọc các kết luận.

Quyết định cuối cùng cho phép sử dụng lực lượng vũ trang bên ngoài đất nước phải được đa số thành viên trong hội đồng thông qua và thể hiện trong nghị quyết của Thượng viện. Văn bản này sẽ được chuyển tới Tổng thống trong vòng hai ngày kể từ sau khi được thông qua.

3. Tầm quan trọng của Crưm

Crưm đối với Nga luôn là mối quan tâm đặc biệt, vì đây là nơi đất đai trù phú và dẫn ra biển Đen. Moscow đã trao Crưm cho Ukraina vào năm 1954 khi cả hai cùng thuộc Liên Xô.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, một số người dân địa phương muốn Crưm trở về Nga như cũ, nhưng các nhà lập pháp tại Ukraina và Crưm đã bỏ phiếu giữa nguyên hiện trạng và vẫn thuộc về Ukraina.

Có ba tộc người chính tại Crưm, bao gồm người Ukraina ở phía bắc, người Nga ở phía Nam và nhóm người Tatar ở miền trung Crưm.

 Hiện nay, những người biểu tình chống Nga tại Ukraina hô vang khẩu hiệu: “Crưm không phải của Nga”; còn những người thân Nga lại tuyên bố “Crưm là của Nga”.

  • Lê Thu (Theo CNN)