Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến hết tháng 6/2024 đạt khoảng 6% so với đầu năm, đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đạt mức ấn tượng trong tháng 6 với mức tăng 3,6%. Trước đó, tăng trưởng tính đến cuối tháng 5 chỉ đạt 2,4%/năm. 

Như vậy, riêng trong tháng 6, nền kinh tế đã hấp thụ được 480.000 tỷ đồng, cao hơn so với tổng lượng tiền được hấp thụ trong 5 tháng đầu năm.

Theo mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ngành ngân hàng, đến hết quý II/2024 tín dụng phải tăng trưởng từ 5-6%.

Tăng trưởng tín dụng tăng mạnh là có sự đóng góp của khoản tín dụng kỷ lục trị giá 1,8 tỷ USD (hơn 45.000 tỷ đồng) mà 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank cho vay để Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) triển khai Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Giai đoạn 1.

Đây là dự án có số tiền tài trợ vốn lớn nhất ngành ngân hàng, trong đó riêng Vietcombank tham gia tài trợ vốn 1 tỷ USD.

W-DSC_9575.jpg
Các ngân hàng đã cho vay 480.000 tỷ đồng trong tháng 6. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Bên cạnh đó, FiinRatings cho rằng tín dụng tăng trưởng phần nào do nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng cao trở lại. 

Tổ chức này dự báo nhu cầu vay vốn nửa cuối năm sẽ tăng tốc nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục.

Theo thống kê của FiinRatings tại thời điểm tháng 6, trong số 10 ngân hàng có giá trị trái phiếu lưu hành lớn nhất, lãi suất trái phiếu chủ yếu dao động trong khoảng 4-9%/năm tùy theo kỳ hạn còn lại. 

Trong đó, ở kỳ hạn 12-18 tháng, trái phiếu Techcombank lãi suất cao nhất lên đến 9,41%/năm, tại OCB là 7,92%/năm. Các mức lãi suất này bỏ xa lãi suất cùng kỳ hạn tại VIB, ở mức 4,22%/năm.

Đối với kỳ hạn 5-7 năm, lãi suất trái phiếu MB và VIB lần lượt là 9,03%/năm và 8,13%/năm, bỏ xa mức lãi suất 4,82%/năm tại VietinBank.

Trong top 10 doanh nghiệp phi ngân hàng có giá trị trái phiếu lưu hành lớn nhất tháng 6/2024, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup dẫn đầu về lãi suất trái phiếu huy động. 

Cụ thể, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 12-18 tháng, Vinhomes và Vinfast dẫn đầu, lần lượt là 9,46% và 9,05%/năm. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 18-24 tháng do Vingroup phát hành lên đến 14,16%/năm, trong khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 24-36 tháng do Vinhomes phát hành lên đến 10,64%/năm.

Nhìn chung đối với nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng, lãi suất trái phiếu chủ yếu dao động từ 7-13%/năm, phần lớn tập trung ở các chủ đầu tư lớn như Vinhomes (VHM), Nam Long (NLG), Khang Điền (KDH) hay Becamex (BCM). 

Tuy nhiên, tại ngày 10/6, thị trường cũng ghi nhận một số lô trái phiếu giao dịch với mức tỷ suất lợi tức đáo hạn bình quân lên tới trên 20%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng của Năng lượng tái tạo Trung Nam (26,86%), Đầu tư Địa ốc Mai Viên (27,26%), BKAV Pro (41,79%) và Licogi 13 (27,6%). Tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch của các lô này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên tổng giá trị lưu hành (dưới 0,3%).

FiinRatings nhận định thị trường thứ cấp đang dần góp phần phản ánh mức độ rủi ro vào định giá lãi suất giao dịch trái phiếu khi các nhóm có rủi ro cao sẽ chịu mức lãi suất cao hơn.