Như VietNamNet đã thông tin, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có số dư nợ tại ngân hàng thương mại - nơi doanh nghiệp mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhà băng đã tự động trích thu nợ từ các tài khoản khác của doanh nghiệp có số dư dương (trong đó có tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu) để khấu trừ công nợ của doanh nghiệp. Cho nên, doanh nghiệp khó duy trì số dư Quỹ bình ổn giá theo quy định.

Thông tin ngân hàng thu nợ của doanh nghiệp từ cả tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu gây ngỡ ngàng.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nợ thuế khủng. 

Bởi, khoản 26, Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã nêu rõ: Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 95 và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá.

“Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác”, Nghị định nêu rõ.

Như vậy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ được chi sử dụng bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, không được sử dụng Quỹ cho các mục đích khác.

Quy định này nhằm hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội đã được phê duyệt.

Chính vì thế, việc ngân hàng thu nợ từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là sai quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu, trường hợp Quỹ bình ổn bị nhà băng tự động trích nợ xảy ra với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà - doanh nghiệp có số nợ thuế ‘khủng’ đã được VietNamNet phản ánh.

Cụ thể, ngày 5/6, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã có văn bản báo cáo về việc Ngân hàng B. - Chi nhánh Long Biên đã trích thu nợ tự động của công ty này số tiền lên tới gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Doanh nghiệp Hải Hà khẳng định, việc thu nợ “không được sự đồng ý của Công ty Hải Hà do không đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP".

Đến ngày 31/8, Bộ Tài chính đã phát công văn đề nghị Ngân hàng B. - Chi nhánh Long Biên nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95 của Chính phủ.

Cũng trong ngày 31/8, Bộ Tài chính đã gửi văn bản sang Ngân hàng Nhà nước để thông tin về sự việc.

Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam - nơi có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu - thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ.

Trao đổi với PV. VietNamNet, TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định: Quỹ bình ổn giá là tiền người dân góp vào, do Nhà nước quản lý, doanh nghiệp chỉ giữ hộ Nhà nước chứ không phải tiền của doanh nghiệp.

"Do đó, việc ngân hàng lấy tiền từ Quỹ để thu nợ của doanh nghiệp là sai hoàn toàn. Các ngân hàng phải rút kinh nghiệm, không được phép thu nợ của doanh nghiệp bằng cách lấy tiền từ Quỹ này", ông Long nói.