Doanh nghiệp nông nghiệp lo lỡ thời cơ vì thiếu vốn

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên do NHNN tổ chức chiều 20/10, ông Lại Đức Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa tỉnh Lâm Đồng, cho biết, năm 2023 do tình hình kinh tế khó khăn nên giá hoa xuống thấp. Trong khi đó, giá đầu vào như phân bón, vật tư nông nghiệp đều tăng mạnh.

Thực trạng trên khiến các doanh nghiệp và người trồng hoa gặp không ít khó khăn. 

Bên cạnh đó, do yếu tố mùa vụ, doanh nghiệp cần vốn vay ngân hàng để giải quyết nhu cầu tín dụng trước mắt, nhưng vì vướng các thủ tục vay nên chậm giải ngân, khiến doanh nghiệp bỏ lỡ mất cơ hội.

Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Cà phê Vĩnh Hiệp Gia Lai, phản ánh, doanh nghiệp của bà đã có 25 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê, nhưng suốt 25 năm qua vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng, chỉ duy nhất một phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản bổ sung thì tăng hạn mức.

“Thật sự là không phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Doanh nghiệp chúng tôi không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài bởi hình thức cho vay này”, bà Lan Anh nói, đồng thời kiến nghị ngân hàng triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn. 

92754b285b368c68d527.jpg
Doanh nghiệp chế biến cà phê kiến nghị gói tín dụng linh hoạt theo mùa vụ.

Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực cà phê, ông Tạ Quang Phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Triệu (Đắk Nông), cho biết 2023 là năm có sự tăng giá đột biến của giá cà phê. Hiện giá cà phê ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua nên nhu cầu vốn kinh doanh của ngành này cũng tăng theo. 

Mặc dù Công ty TNHH MTV Quang Triệu luôn được ngân hàng trên địa bàn đồng hành, chia sẻ tạo điều kiện tiếp cận vốn vay, đáp ứng mức cao nhất có thể về nhu cầu vốn, thậm chí còn được hỗ trợ lãi suất từ 1-2%. Tuy nhiên, ông Phú cho hay để tiếp cận được các ưu đãi từ ngân hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chuẩn cao, nên không nhiều công ty có thể đáp ứng. 

Ông Phú đề nghị NHNN phối hợp với các ngân hàng thương mại đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các chính sách của nhà nước, từ đó giúp tiếp cận vốn vay theo các chương trình, chính sách nói trên.

Sẽ cởi mở hơn trong cho vay tín chấp 

Về phía ngân hàng thương mại, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV - nêu thực trạng mặc dù ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng do tình hình khó khăn chung nên sức hấp thụ vốn còn yếu. 

Ông Trần Phương đề nghị các doanh nghiệp tập trung thực hiện các biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, cắt giảm các mảng hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Theo bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank - ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trường, kích thích tổng cầu. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường minh bạch hoá về tài chính để ngân hàng có sự tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng.

“Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường quản lý dòng tiền, minh bạch tài chính, chủ động tiếp cận, đề xuất để ngân hàng có cơ sở thẩm định, cho vay mới hoặc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Phùng Thị Bình nói.

dkd123.jpg
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM cần mạnh dạn hơn trong cho vay tín chấp, giảm bớt thủ tục về tài sản đảm bảo bằng bất động sản.

“Tất nhiên cho vay phải đảm bảo an toàn chứ không thể cho vay “bạt mạng” để rồi sau này không thu hồi được gốc lẫn lãi”, Phó Thống đốc lưu ý.

Về ý kiến cho rằng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc vào tính mùa vụ, Phó Thống đốc cho rằng những mặt hàng có tính thời vụ cần vốn rất nhanh. Do vậy ngân hàng phải nắm được xu hướng, tính hiệu quả và đánh giá mức độ thành công của mùa vụ xem có được mùa, được giá hay không, bám sát nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng như của lĩnh vực, ngành nghề nói chung.

Về vấn đề lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng trong quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng, doanh nghiệp thường nói lãi suất còn cao, trong khi nhiều ngân hàng nói lãi suất đã xuống thấp. Nhưng cũng phải thừa nhận vẫn có ngân hàng cho vay lãi suất cao bởi trước đó đã huy động cao. 

Nhiều ngân hàng khi chưa đến hạn trả nợ thì chưa giảm lãi cho khách hàng, có nơi giảm nhiều, có nơi giảm ít. Nhưng một thực tế là có ngân hàng giảm lãi suất còn chậm, nên doanh nghiệp phản ánh phải vay với lãi suất 11-12%/năm. 

“NHNN không quyết định được lãi suất cho vay vì đó là toàn quyền của NHTM, nhưng lãi suất phải phù hợp với mặt bằng chung và ngân hàng phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và NHNN là phải giảm lãi suất cho vay bằng nhiều hình thức”, Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc cũng “trấn an” các ngân hàng về lo ngại hình sự hoá các quan hệ dân sự. Theo đó, nếu khách hàng không thể trả được nợ với lý do khách quan thì chủ trương chung là không hình sự hoá quan hệ dân sự. 

“Chỉ hình sự khi phát hiện vi phạm, chẳng hạn như hai bên thông đồng với nhau rút tiền ngân hàng để sử dụng sai mục đích sử dụng vốn. Nếu cho vay đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, đúng phạm vi, đúng hạn mức thì không ai xử lý hình sự cả”, Phó Thống đốc nói.