Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank AMC) đang tiến hành xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của khách hàng là CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki).

Theo đó, khoản nợ gốc 82,416 tỷ đồng của CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) tính đến ngày 4/7 có số lãi phát sinh lên đến 166,100 tỷ đồng. Tổng giá trị khoản nợ là 248,516 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm là 15 xe ô tô tải thương hiệu Vinaxuki đang trong kho nhà máy Vinaxuki Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), các xe đều chưa hoàn thiện để xuất xưởng, sản xuất từ năm 2012.

VietinBank AMC thông báo các cá nhân, tổ chức quan tâm đến việc mua tài sản đảm bảo liên hệ trực tiếp với ngân hàng trước ngày 26/7. 

Tuy nhiên, VietinBank AMC không công khai mức giá khởi điểm cũng như tình trạng hiện thời của lô xe này.

Được biết, năm 2012 cũng là thời điểm Vinaxuki trình làng mẫu xe 4 chỗ giá rẻ tại Triển lãm về ô tô – xe máy. 

Mặc dù những chiếc xe này là tâm huyết cả đời của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki, nhưng những chiếc xe “Made in Vietnam” đầu tiên này chỉ dừng lại ở việc xuất hiện tại triển lãm.

Một chi tiết đáng chú ý trong việc xử lý lô tài sản đảm bảo này, đó là không phải VietinBank hay một chi nhánh nào của ngân hàng trực tiếp đứng ra xử lý, thay vào đó là VietinBank AMC.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, thông thường ngân hàng và các chi nhánh chỉ trực tiếp xử lý đối với những tài sản có tính thanh khoản cao. Với những khoản nợ xấu khó đòi, hoặc những tài sản cực kỳ khó bán, các ngân hàng sẽ chuyển về cho Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản để xử lý và thu hồi nợ cho ngân hàng.

Giấc mơ xe Việt của ông Bùi Ngọc Huyên phá sản hoàn toàn.

Được biết, đây không phải lần đầu tài sản của Vinaxuki bị ngân hàng rao bán. Trong khoảng vài năm trở lại đây các ngân hàng vẫn thường đăng tải thông tin về việc thu giữ tài sản đảm bảo, rao bán các khoản nợ hoặc tài sản của Vinaxuki, thậm chí rao bán rất nhiều lần nhưng không có người mua.

Năm ngoái, Vietcombank Chi nhánh Thăng Long đã rao bán đấu giá hệ thống máy móc, thiết bị tại nhà máy sản xuất ô tô số 1 thuộc chi nhánh Vinaxuki tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Giá khởi điểm cho khối tài sản đảm bảo này là 33,128 tỷ đồng. Đây là tài sản đã được toà án tuyên thuộc quyền sở hữu của ngân hàng, do đó phiên đấu giá diễn ra tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mê Linh. 

Trước đó, tháng 6/2021 UBND tỉnh Thanh Hoá đã có quyết định thu hồi 45,6 ha đất của Chi nhánh Vinaxuki Thanh Hóa tại huyện Hậu Lộc. Đây là phần diện tích đất còn lại thuộc dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, đã được Vinaxuki Thanh Hóa đầu tư xây dựng nhà xưởng và một số công trình trên đất như: 4 nhà xưởng, 1 nhà chuyên gia, 1 nhà bếp, 3 nhà bảo vệ,… quy mô dự kiến lên tới 92,3 ha, tổng vốn đầu tư 1.360 tỉ đồng.

Như vậy, tham vọng sản xuất ra những chiếc ô tô “Made in Vietnam” của ông Bùi Ngọc Huyên đã hoàn toàn phá sản.

Từng chia sẻ với truyền thông, ông Bùi Ngọc Huyên cho hay, Vinaxuki bắt đầu đầu tư sản xuất xe con từ năm 2009. Đầu năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, các ngân hàng đã cắt vốn đầu tư khiến doanh nghiệp phải dừng sản xuất.

Đến năm 2013, tổng dư nợ của Vinaxuki tại 4 ngân hàng lên đến 940 tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Huyên cho biết đã phải bán nhà cửa, vét từng đồng lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn nhưng các ngân hàng cũng không cho vay nữa. Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán.

Năm 2020, Ngân hàng BIDV cũng từng thông báo bán đấu giá khoản nợ trị giá 1.265 tỷ đồng của Vinaxuki chi nhánh Thái Nguyên. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này gồm quyền sử dụng đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích 138.814m2 và máy móc, thiết bị tại nhà máy Vinaxuki Mê Linh, quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.