Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, ngành du lịch Việt Nam nỗ lực chủ động thích ứng và khôi phục hoạt động ngay trong tình hình mới. Cùng với việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine, các doanh nghiệp du lịch đã quyết tâm hành động và thích ứng linh hoạt, bước đầu toàn ngành đang nỗ lực chớp lấy cơ hội, không để lỡ nhịp làm mất tính cạnh tranh với các nước xung quanh...

Triển khai chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021 đến nay đã đón được khoảng 9.000 lượt khách, con số tuy chưa nhiều nhưng là kết quả rất đáng khích lệ sau thời gian bị ngừng trệ. Đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, ngành du lịch đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt khách đi lại tham quan du lịch trên cả nước. Các dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cũng cho thấy nhu cầu tìm kiếm quốc tế về hàng không, du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng rất cao. Những tín hiệu tích cực đó là cơ sở cho sự phục hồi của ngành du lịch trong thời gian tới.

Chùa Bái Đính

Tổng cục trưởng nhấn mạnh để bảo đảm mở cửa du lịch an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần tập trung vào 7 nhóm giải pháp chính gồm có: Về đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đang được triển khai mạnh, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, nhưng vẫn phải lưu ý đến nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới, vấn đề chênh lệch về độ bao phủ vắc-xin giữa một số địa phương, giữa các độ tuổi khác nhau. Bên cạnh đó còn có sự chưa thống nhất về quy định kiểm soát an toàn giữa một vài địa phương. Do vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng phối hợp với các bộ ngành liên quan có phương án, kế hoạch mở cửa du lịch một cách an toàn, khoa học, hiệu quả để áp dụng thống nhất trên toàn quốc thời gian tới. Việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch coi là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.

ề nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm cơ sở vật chất, củng cố nhân lực du lịch, Tổng cục trưởng nhấn mạnh đây là một trong những vấn đề cốt lõi để bảo đảm sự phục hồi của du lịch Việt Nam. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn nhân lực du lịch bị thiệt hại nặng nề, nhiều lao động rời khỏi ngành, nhiều nơi cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp. Do vậy, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục có những đề xuất kéo dài chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính, tín dụng… cho doanh nghiệp, người lao động trong ngành; đề xuất các chương trình đào tạo, đào tạo lại cho lao động du lịch. Đồng thời phối hợp với một số địa phương tổ chức đoàn khảo sát thực tế hiện trạng cơ sở vật chất kỹ thuật để có giải pháp củng cố, phục hồi hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch.

Về cạnh tranh điểm đến, Tổng cục trưởng cho biết, vừa qua, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam 2021 cho 15 tỉnh, thành phố. Đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, khu điểm du lịch tham khảo, nhìn nhận và có những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch địa phương trong thời gian tới.

Về xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách, trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua Tổng cục Du lịch vẫn duy trì việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, do vậy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế tới du lịch Việt Nam vẫn luôn được duy trì. Du lịch Việt Nam vẫn được bạn bè quốc tế yêu mến dành tặng những danh hiệu, giải thưởng nổi bật.

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến dịch truyền thông Live fully in Vietnam, đặc biệt là trên các nền tảng số như website, mạng xã hội; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở các thị trường trọng điểm; hợp tác với các kênh truyền thông lớn trên thế giới như CNN, CNBC; làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp quảng bá thông tin du lịch Việt Nam.

Với việc nhanh chóng triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngành du lịch đang được tiếp sức để tái khởi động, phục hồi.

Bên cạnh khách nội địa, ngành kỳ vọng năm 2022 sẽ đón 5 triệu khách quốc tế từ “hộ chiếu vaccine”. 

Lê Thúy