Quản lý dược là một lĩnh vực lớn và phức tạp trong ngành y tế. Với quy mô 5,2 tỷ USD/năm và có mức tăng trưởng gần 12% mỗi năm, Việt Nam là thị trường dược phẩm lớn thứ 2 Đông Nam Á. Hệ thống Dược Việt Nam hiện đang quản lý trên 61.000 cơ sở kinh doanh thuốc, 1.400 bệnh viện. Mỗi năm ngành dược xử lý và cấp phép khoảng 3.600 số đăng ký thuốc.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và đòi hỏi ngày càng cao từ người dân, chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc với mọi lĩnh vực, trong đó có ngành dược.

Triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý dược.

Trong 4 năm qua, Cục Quản lý Dược đã triển khai 7 hệ thống ứng dụng CNTT trên phạm vi toàn quốc, bao phủ 5 lĩnh vực lớn của ngành dược, bao gồm dịch vụ công trực tuyến, quản lý thuốc, quản lý cơ sở cung ứng thuốc và quản lý chứng chỉ hành nghề, có tác động tới toàn bộ hơn 60.000 cơ sở cung ứng thuốc và doanh nghiệp dược trên toàn quốc nhằm đưa chuyển đổi số ngành dược từ chủ trương đi vào cuộc sống.

{keywords}
Ngân hàng dữ liệu ngành dược - Drugbank là dấu ấn tiên phong trong việc số hoá dữ liệu thốc và các dữ liệu liên quan

Với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, 100% thủ tục hành chính của Cục đã đạt dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống này cũng được tích hợp lên cổng dịch vụ Bộ Y tế.

Ngoài ra Cục Quản lý Dược đã có 24 dịch vụ công trực tuyến tham gia cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu thuốc, công bố mỹ phẩm, quảng cáo thuốc, kê khai/kê khai lại giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc, quản lý kinh doanh dược…

Việc hoàn thành, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Cục Quản lý Dược: giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch, tránh được sự phiền hà, nhũng nhiễu trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ.

Qua đó, đã đem lại hiệu quả kinh tế do cắt giảm được nhiều chi phí: Chi phí đi lại, chi phí lưu trữ, bảo quản, chi phí văn phòng phẩm, chi phí nhân công... Đồng thời, việc quản lý, lưu trữ, bảo quản và truy xuất hồ sơ khi cần thiết tại Cục Quản lý Dược được thực hiện một cách thuận tiện.

Về kết nối, liên thông các cơ sở cung ứng thuốc, từ tháng 8/2018, sau 12 tháng xây dựng, ngành dược đã hoàn thành kết nối 63/63 tỉnh, thành phố, gần 100% trên tổng số gần 61.000 cơ sở cung ứng thuốc đã có phần mềm, hơn 60% đã liên thông dữ liệu, quản lý hơn 7,2 triệu đơn thuốc, gần 27 triệu hoá đơn bán hàng…

Việc kết nối, liên thông các cơ sở cung ứng thuốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý giá thuốc và tăng cường kiểm soát thuốc kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn cả nước, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về chống kháng thuốc.

Cục Quản lý Dược cũng đã xây dựng và cập nhật xong ngân hàng dữ liệu ngành dược (drugbank,vn) với thông tin, dữ liệu trên 15.000 thuốc đang được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin về thuốc.

Với sự ra mắt của Drugbank.vn, Cục Quản lý Dược đã trở thành một trong số ít những cơ quan quản lý cấp quốc gia xây dựng hệ thống dữ liệu về thuốc và cung cấp công cụ tra cứu cho cộng đồng.

Từ tháng 1/2020, Cục Quản lý Dược tiếp tục phối hợp xây dựng hệ thống phần mềm khởi tạo mã định danh cho từng loại thuốc, là khối dữ liệu dùng chung cho toàn ngành y tế với trên 23.000 thuốc được cấp phép lưu hành. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử, y bạ điện tử, giám định bảo hiểm thanh toán y tế…

Trong lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề dược và cơ sở kinh doanh dược, Cục đã xây dựng phần mềm quản lý bao gồm toàn bộ thông tin về các cơ sở kinh doanh dược trên cả nước (trên 65.000 cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ) và trên 115.000 chứng chỉ hành nghề.

Với cơ sở dữ liệu trên, Cục Quản lý Dược đã quản lý được quy mô của hệ thống sản xuất, kinh doanh dược trên toàn quốc và có đầy đủ thông tin về chứng chỉ hành nghề, tránh tình trạng cấp trùng ở các địa phương.

Lãnh đạo Cục Quản lý Dược nhìn nhận, chuyển đổi số đã giúp chuyển đổi môi trường làm việc trong ngành dược lên môi trường số, thân thiện hơn với doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm thời gian, công sức, tăng tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí trung bình mỗi năm 2-3 tỷ đồng.

Minh Thư