Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Quy hoạch xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số góp phần nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch; góp phần tăng năng suất chất lượng lao động của mỗi cá nhân, đơn vị; đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của các cấp Kiểm sát và trong toàn ngành.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là khẩn trương chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin của ngành thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt hướng tới điện toán đám mây; phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có.

Có khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để phục vụ có hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát, đáp ứng các yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong và ngoài ngành.

Đến năm 2030, cơ bản chuyển các hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân lên môi trường số; thay đổi cách thức vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành theo hướng chuyển đổi số.

dong chi nguyen van tung bi thu ban can su dang vien truong vksnd tinh tra vinh phat bieu chi dao hoi nghi.png
Ông Nguyễn Văn Tùng – Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh phát biểu chỉ đạo Hội nghị tập huấn cập nhật kiến thức an toàn thông tin và công tác bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng cho lãnh đạo và công chức Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Trà Vinh. 

Quy hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể bao gồm: nâng cao, thay đổi nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, hoàn thiện kho dữ liệu, các ứng dụng hướng tới phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin; phát triển nguồn nhân lực.

Đối với nhiệm vụ bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, bên cạnh các giải pháp như xây dựng, banh hành quy chế, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin trước khi đưa vào sử dụng, còn có ban hành chỉ thị về nhiệm vụ bảo mật thông tin và tổ chức đào tạo tập huấn trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin cho công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành.

Với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, mục tiêu là bảo đảm chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp làm công tác công nghệ, thông tin đủ khả năng tham mưu, quản lý, hướng dẫn chuyên môn trong toàn ngành.

Công chức, viên chức trong toàn ngành có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin được trang bị.

Công chức chuyên trách về công nghệ thông tin tham gia đào tạo chuyên sâu về công nghệ số, chuyển đổi số. Cùng với đó, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng khai thác ứng dụng công nghệ thông tin cho lãnh đạo đơn vị thuộc VKSND tối cao, công chức, viên chức, người lao động ngành Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Bồi dưỡng, tập huấn cho công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định, hoạch định chính sách và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Giao Cục 2 phối hợp với Vụ 15, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh xây dựng nội dung, kế hoạch, đưa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức, viên chức của ngành định kỳ tổ chức các cuộc thi, kiểm tra về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo đúng chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông qui định.

Khi tuyển dụng công chức là chuyên viên, kiểm tra viên, kiểm sát viên yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Có chế độ, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho đội ngũ công chức làm công tác công nghệ thông tin của ngành.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giao Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin phối hợp với Vụ 15 rà soát về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức làm công tác công nghệ thông tin trong toàn ngành để có hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.

Giao Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể để tổ chức thường xuyên việc đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin và quản lý, thực hiện các dự án công nghệ thông tin.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhận thức, kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ, sẵn sàng chuyển đổi phương thức làm việc sang môi trường số.

Mai Vân Anh, Đinh Bạt Tuấn, Lã Thị Kiều Oanh