Theo công bố hiện trạng rừng, tổng diện tích rừng (gồm cả phần diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ) của nước ta là trên 14,86 ha, trong đó rừng tự nhiên hiện có gần 10,123 triệu ha, còn lại là rừng trồng.

Báo cáo của Bộ NN-PTNT mới đây cho thấy, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 20.855,8 nghìn m3, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2024 đạt 14,62 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Với con số trên, lâm nghiệp là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta.

Dù vậy, thế mạnh này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về phát triển bền vững, các quy định truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp từ nhiều thị trường xuất khẩu, hay quy định EUDR từ thị trường châu Âu…

Để khắc phục những điểm yếu trong ngành lâm nghiệp cũng như đáp ứng yêu cầu từ thị trường xuất khẩu về minh bạch hóa thông tin nơi trồng rừng, sản lượng gỗ, dự báo thị trường… thời gian qua ngành hàng này đã đẩy mạnh chuyển đổi số, từ đó xây dựng kho dữ liệu về rừng. 

lam nghiep
Kho dữ liệu số của ngành lâm nghiệp dần hình thành. 

Chia sẻ về các công nghệ đang ứng dụng trong ngành lâm nghiệp, Cục trưởng Cục Lâm Nghiệp (Bộ NN-PTNT) Trần Quang Bảo cho biết, công nghệ số trong viễn thám được ứng dụng tại nhiều tỉnh, thành có rừng ở nước ta. Nhờ đó, việc kiểm tra, giám sát hiện trạng rừng, cũng như cập nhật dữ liệu rừng, cảnh báo cháy rừng... đều được tự động, giúp cán bộ kiểm lâm địa bàn nắm chắc các biến động về rừng, giúp giảm nhân lực và tăng cường độ chính xác trong thông tin.

Bên cạnh đó, ngành cũng đã xây dựng Hệ thống nền thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (Hệ thống FORMIS). Hệ thống này đóng vai trò nền tảng để tiếp nhận, tích hợp, kết nối các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành, phục vụ cho việc cập nhật dữ liệu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành lâm nghiệp.

Hiện, nhiều dữ liệu đã được tích hợp vào hệ thống như dữ liệu tài nguyên rừng, dữ liệu điều tra rừng quốc gia 5 chu kỳ, dữ liệu về điều kiện lập địa thích hợp cho trồng rừng, dữ liệu chi trả dịch vụ môi trường rừng, dữ liệu rừng ven biển, thông tin mùa vụ trồng rừng, sản lượng gỗ rừng trồng...

Tháng 7 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 2260 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu. Quá trình triển khai thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng được thực hiện trong thời gian 24 tháng trên địa bàn 5 tỉnh phía Bắc gồm: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. 

Sau đó, việc cấp mã số vùng trồng rừng sẽ được mở rộng ra các tỉnh thành trên cả nước. Đây cũng là tiền đề góp phần hình thành kho dữ liệu số ngành lâm nghiệp.

Nền tảng công nghệ cho việc cấp mã số vùng trồng rừng là hệ thống iTwood - công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực. Theo đó, ở mỗi khâu trong quy trình tạo lập hồ sơ sẽ được cấp 1 mã QR code, đảm bảo dòng chảy thông tin liên tục về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu từ khâu trồng rừng, khai thác cho đến khâu thương mại hoá gỗ và sản phẩm gỗ trên thị trường.

Không chỉ vậy, nhờ sử dụng mô hình điện toán đám mây, iTwood sẽ hỗ trợ người sử dụng truy xuất nguồn gốc gỗ nhanh chóng.

Sau hơn 4 tháng triển khai, đến nay đã xây dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu về vùng trồng rừng ở 5 tỉnh thí điểm và những mã số vùng trồng rừng đầu tiên đã được cấp. Tổng diện tích rừng đăng ký cấp mã số vùng trồng là trên 16.000 ha; trong đó diện tích được xác minh và cấp mã số vùng trồng là 3.350 ha.

Cấp mã số vùng trồng rừng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, là bước đi có tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay nhằm minh bạch hóa thông tin về nơi trồng rừng, góp phần đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ, đặc biệt khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung sản xuất gỗ và chế biến lâm sản toàn cầu, Cục trưởng Trần Quang Bảo nhấn mạnh.

Điểm đặc biệt, thông qua nền tảng số iTwood, Cục Lâm Nghiệp cũng khởi động dự án xây dựng mô hình kinh doanh carbon từ rừng trồng trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái).

Điều đáng nói, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia triển vọng nhất về tín chỉ carbon (cả rừng tự nhiên và rừng trồng) và đang tiếp tục chuẩn bị cho các dự án lớn hơn về chuyển nhượng loại hàng hoá này.

Ông Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tính toán, mỗi năm ngành lâm nghiệp phát thải 30 triệu tấn carbon (CO2), nếu tính số lượng hấp thụ được thì chúng ta đang phát thải âm 40 triệu tấn CO2.

Trường hợp mỗi năm chúng ta tăng được hấp thụ carbon từ rừng thì có thể nâng cao được năng suất chất lượng rừng nghèo kiệt và rừng trồng, từ đó thu về 60-70 triệu tấn tín chỉ CO2/năm.

Cuối năm 2023, Việt Nam đã bán thành công tín chỉ carbon đầu tiên, mang lại 51,5 triệu USD.

Thế nên, với nền tảng iTwood, dự án sẽ nghiên cứu thử nghiệm xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ số để đo đếm, giám sát khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon rừng trồng trên mã số vùng trồng được cấp. Đây là công việc có ý nghĩa thực tiễn, là sáng kiến được thực hiện đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời giúp khai thác được tiềm năng thương mại carbon trong lâm nghiệp. 

Hà Giang