Tăng cường thu gom, tái chế

Báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh cho biết, hằng năm trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 400 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) các loại, theo đó phát sinh khoảng 45 tấn bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng. Trong đó, thuốc dạng chai (tuýp, lọ, can) nhựa chiếm 70%, dạng gói nhựa khoảng 30%.

Sau khi sử dụng, cùng với lượng bao gói là lượng thuốc BVTV còn sót lại trong bao bì. Lượng thuốc này dễ khuếch tán vào không khí hoặc thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước nếu không có giải pháp thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng một cách hiệu quả.

Nhận thức rõ vấn đề trên, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có nhiều phương án thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn.

Theo đó, hiện toàn tỉnh đang duy trì 1.568 bể chứa bao gói thuốc BVTV. Các bể chứa hầu hết ở các khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông nội đồng và thuận tiện cho người dân thu gom sau khi sử dụng thuốc BVTV.

Lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã thu gom vào các bể chứa hàng năm khoảng 8.200kg, chiếm 20% tổng bao gói thuốc BVTV toàn tỉnh. Số còn lại hầu hết được người sản xuất gom lại ngay tại đồng ruộng và tự tiêu hủy bằng cách đốt. Trong đó, lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã thu gom được ký kết hợp đồng xử lý theo đúng quy định chiếm khoảng 6,8% tổng bao gói thuốc BVTV, tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp sản xuất trồng trọt với quy mô lớn. Bên cạnh đó, lượng chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt được thu gom, tái sử dụng, tái chế khoảng 800 tấn (chủ yếu là bao bì phân bón, màng phủ, túi bầu...).

anh bai 17 chuan.jpg
Ngành nông nghiệp khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Lượng chất thải nhựa được thu gom chiếm khoảng 40%, một phần được tái chế, tái sử dụng; còn lại chủ yếu được vận chuyển, xử lý cùng với rác thải sinh hoạt.

Hiện nay, tại huyện Mai Châu đã ban hành Đề án thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn giai đoạn 2023-2025. Đề án triển khai góp phần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn bền vững.

Với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 70% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những khu vực sản xuất trồng trọt tập trung được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 70% các xã, thị trấn có khu sản xuất trồng trọt tập trung được trang bị thùng thu gom thuốc BVTV sau sử dụng đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Ít nhất 70% chất thải nhựa từ sản xuất trồng trọt tại các khu sản xuất tập trung được phân loại tại nguồn và thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trên cơ sở tối đa hóa khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.

Khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hoà Bình, mỗi năm tỉnh có khoảng 2 triệu tấn chất thải hữu cơ từ sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và chất hữu cơ tự nhiên có thể khai thác để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. Tổng lượng phân hữu cơ được sản xuất từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 65 nghìn tấn/năm.

Trong những năm gần đây, cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa các cây trồng chủ lực tập trung, có mức độ thâm canh và cho năng suất, sản lượng lớn. Chính vì vậy, mức độ sử dụng phân bón cũng tăng cao.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện mới có khoảng 865 nghìn tấn lượng phân bón hữu cơ sản xuất từ các nhà máy, các cơ sở doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình được sử dụng vào canh tác trồng trọt; còn lại khoảng 400-500 nghìn tấn đã được sử dụng nhưng chưa được xử lý triệt để.

Việc lạm dụng phân bón hóa học sẽ có nhiều hệ luỵ, nhận thức rõ điều này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, phấn đấu năm 2023, công suất sản xuất phân bón hữu cơ của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh đạt 100 nghìn tấn/năm. Lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Tổng lượng chất thải hữu cơ và các phế phụ phẩm trong nông nghiệp được xử lý thành phân bón hữu cơ đạt 1 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất theo quy mô nông hộ đạt 500 nghìn tấn/năm; 100% các huyện, thành phố xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả gắn với chuỗi giá trị trên các cây trồng chủ lực, lợi thế của tỉnh....

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV