Chiều nay (11/7), UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm 2023.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An Nguyễn Văn Trường cho biết, Nghệ An tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, đạt được kết quả quan trọng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,79%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng đầu năm của cả nước (đạt 3,72%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,26%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,31%; khu vực dịch vụ tăng 7,91%.

Nghệ An bứt phá đứng thứ 8/63 tỉnh, thành trên toàn quốc về thu hút vốn FDI. Ảnh: Quốc Huy

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước thực hiện 8.489 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán.

Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, tính đến ngày 30/6, có 66 dự án cấp mới (tăng 13,79% so với cùng kỳ) và điều chỉnh 84 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 22.309,7 tỷ đồng, trong đó vốn cấp mới là 19.838 tỷ đồng, tăng 1,34 lần so với cùng kỳ. 

Đặc biệt, tỉnh Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD; trong 6 tháng đầu năm thu hút được 8 dự án FDI với số vốn đăng ký 613,8 triệu USD.

Một số dự án FDI quy mô lớn như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare - ICT (140 triệu USD); Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (500 triệu USD), Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (199,8 triệu USD), Dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng (200 triệu USD); Nhà máy khoa học, kỹ thuật kim loại Tân Việt (125 triệu USD),…

Tập trung ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng

Một số nhiệm vụ, giải pháp trong tậm 6 tháng cuối năm được tỉnh Nghệ An đẩy mạnh thực hiện như sau: Xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức công bố, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Tiếp tục xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; Đề án điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Đông Nam theo lộ trình.

Đẩy mạnh cải cách hành chính cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Tập trung hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tích cực phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (VIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt) để xúc tiến, thu hút đầu tư các nhà đầu tư thứ cấp. 

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua Nghệ An đang được các nhà thầu nỗ lực thi công. Ảnh: Quốc Huy

Chủ động, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ về thủ tục, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp như: Chủ trương đầu tư dự án KCN Hoàng Mai II; khởi công dự án KCN Thọ Lộc (VSIP2); thủ tục đầu tư Dự án Khu B - KCN Thọ Lộc, KCN Nghĩa Đàn, KCN WHA giai đoạn 3...

Thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực. Các ngành, các cấp chủ động, tích cực rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Đồng thời ưu tiên nguồn lực và tập trung triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như: Đường bộ cao tốc đoạn qua Nghệ An; đường ven biển; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; tập trung thực hiện dự án cảng nước sâu Cửa Lò và nâng cấp Sân bay quốc tế Vinh. 

Thực hiện quyết liệt, chủ động, tích cực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An...