UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình phổ thông mới, góp phần nâng cao nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, cùng với việc tăng nhanh dân số dẫn đến số trẻ em, học sinh, số lớp tăng mạnh. Trong khi đó, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, từ năm 2015 -2020 đã thực hiện tinh giản 1.300 biên chế, dẫn đến tình trạng thiếu nhiều giáo viên ở các cấp học mầm non, tiểu học, tạo áp lực lớn với ngành giáo dục và xã hội.

Để xây dựng đề án này, Nghệ An cũng đã tiến hành thống kê, dự báo tình hình gia tăng về quy mô học sinh, số lớp và nhu cầu sử dụng giáo viên của các bậc học.

Theo dự báo, đến năm học 2025-2026 toàn tỉnh Nghệ An sẽ có khoảng 924.569 học sinh, trẻ (tăng hơn 106.000 học sinh, trẻ so với năm học 2021-2022); dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng hơn 120.000 học sinh, trẻ.

Qua đánh giá hiện nay, đội ngũ nhà giáo của Nghệ An dù trình độ đào tạo đạt chuẩn cao nhưng còn những khó khăn nhất định. Đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu so với nhu cầu. Năm học 2020 - 2021: cấp mầm non thiếu 4.605 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 2.523 giáo viên). Trong khi đó, chưa có giáo viên được đào tạo chuyên môn để đảm bảo dạy tất cả các mạch kiến thức các môn học và hoạt động giáo dục mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; Môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học Tự nhiên ở THCS, Hoạt động trải nghiệm).

Ngoài ra, cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học THCS. Xu hướng thiếu nhiều giáo viên ở các môn học theo Chương trình, SGK mới như: môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục công dân, đặc biệt là khó khăn trong việc bố trí giáo viên để dạy các môn học, hoạt động giáo dục mới theo chương trình phổ thông mới.

Đời sống khó khăn, điều kiện làm việc còn hạn chế nên bản thân giáo viên chưa thực sự yên tâm công tác. Ở vùng nông thông, vùng miền núi cao, một số vị trí việc làm khó tuyển dụng giáo viên vào ngành (giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, giáo viên Tiểu học). Thậm chí ở một số nơi đã có hiện tượng xin nghỉ việc, chuyển sang làm nghề khác,...

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Do đó, mục tiêu của Đề án là Nghệ An dự kiến sẽ đào tạo 1.000 sinh viên (đặt hàng đào tạo giáo viên các môn khó tuyển như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật cho các địa phương miền núi khó tuyển dụng). Trong đó, từ năm 2022 đến năm 2025 là 400 sinh viên và từ năm 2026 đến năm 2030 là 600 sinh viên.

Tỉnh Nghệ An cũng đặt mục tiêu nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên cho 1.899 người.

Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo đại học văn bằng 2 cho khoảng 1.000 giáo viên để dạy các môn thiếu có chuyên môn gần, phù hợp năng lực giáo viên (chủ yếu giáo viên môn Ngữ văn và Toán cấp THCS, giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh).

Ngoài ra, nhằm mục tiêu đảm bảo số lượng, đảm bảo cơ cấu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Nghệ An cũng dự kiến sẽ có nhu cầu tuyển dụng giáo viên thiếu và bù giáo viên nghỉ hưu đến 2030 là 13.307 người, trong đó bổ sung giáo viên thiếu 9.523 người, bù giáo viên nghỉ hưu 3.674 người.

Thanh Hùng

Đề xuất tiêu chí điều động, cắt hợp đồng giáo viên trường chuyên

Đề xuất tiêu chí điều động, cắt hợp đồng giáo viên trường chuyên

Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình vừa xây dựng dự thảo điều động, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với giáo viên giảng dạy tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ.