Trước năm 2021, hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra rất phức tạp, thủ đoạn rất tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nhiều nơi khác nhau, bao gồm cả tội phạm nước ngoài.
Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, những người gặp cảnh đời éo le. Chúng sử dụng chiêu trò môi giới lao động, tìm người sang Trung Quốc làm việc nhẹ lương cao, dụ dỗ phụ nữ mang thai sang nước ngoài bán trẻ sơ sinh. Đối tượng phụ nữ, trẻ em bị chúng bán sang Trung Quốc làm vợ, làm gái mại dâm.
Đồng bào dân tộc thiểu số là "con mồi" của tội phạm mua bán người. |
Không chỉ lén lút tiếp xúc trực tiếp, tội phạm mua bán người còn sử dụng mạng xã hội để làm quen, đánh vào tâm lý cả tin của một số người rồi hướng dẫn họ ra khỏi địa phương, đến các tỉnh biên giới phía Bắc để lừa bán qua Trung Quốc.
Tỉnh Nghệ An đã huy động cả hệ thống chính trị, cùng các cơ quan chức năng vào cuộc, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân từ địa bàn nội địa đến các xã biên giới.
Trên cơ sở tình hình thực tế địa bàn, các đồn biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Chú trọng tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người đối với nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em, học sinh...
Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền qua loa truyền thanh, lồng ghép với chương trình học tại các nhà trường, các tiết học ngoại khóa. Đồng thời, vận động nhân dân tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.
Bộ đội biên phòng cũng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cũng phối hợp tốt với các nước láng giềng và các tổ chức quốc tế giải cứu, tiếp nhận nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng triển khai chính sách hỗ trợ để nạn nhân của tội phạm mua bán người khi trở về địa phương, giúp họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An cơ bản được kiềm chế, đẩy lùi. Thành quả này nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng tại địa phương, đặc biệt là việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới của lực lượng bộ đội biên phòng.
Theo đó, bộ đội biên phòng tỉnh đã thành lập thêm nhiều tổ, chốt trên biên giới để kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 và phối hợp với các lực lượng tăng cường kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới nên tội phạm mua bán người không có cơ hội hoạt động.
Tuy nhiên, trình độ nhận thức còn hạn chế, nhu cầu việc làm cao, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu công ăn việc làm nên một bộ phận người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, biên giới của tỉnh Nghệ An vẫn có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Chính vì vậy, cùng với những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn của cơ quan chức năng, việc tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân là biện pháp căn cơ để giúp họ chủ động tránh xa được những cạm bẫy của tội phạm mua bán người.
Bích Thủy