Những năm qua, công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt được những thành tựu quan trọng. Giai đoạn 2019- 2024, toàn tỉnh đã bình chọn được 6.858 lượt người có uy tín; riêng năm 2024 bình chọn 926 người có uy tín.
Các chế độ chính sách cho người có uy tín được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai đầy đủ. Đã tổ chức 47 lớp tập huấn, cung cấp thông tin đến trên 3 nghìn lượt người có uy tín tham gia; tổ chức 03 hội nghị biểu dương tôn vinh trên 600 người có uy tín tiêu biểu; tổ chức 07 đoàn với hơn 230 người có uy tín đi học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên Đán cho 6.858 lượt người có uy tín; thăm hỏi 829 lượt người có uy tín khi bị ốm đau, hoạn nạn;...
Có thể nói, sự vững mạnh và thành công trong các lĩnh vực của đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An có sự đóng góp không nhỏ của những người có uy tín. Vị trí và vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Nghệ An được nâng lên rõ rệt; cùng với đó, nhận thức và trách nhiệm của người có uy tín cũng ngày càng cao hơn.
Gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, thực hiện
Người có uy tín vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Nghệ An đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động nhân dân; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật đến các thôn, bản.
Giai đoạn 2020 - 2023 đã có trên 70 nghìn đồng bào DTTS được phổ biến, giáo dục pháp luật; 30 nghìn tờ gấp tuyên truyền có chủ đề “Nói không với tảo hôn” và “Nói không với hôn nhân cận huyết thống”, 770 cuốn tài liệu và 5 nghìn tờ gấp tuyên truyền với các nội dung về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS… được đưa đến người dân. Những kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của những người có uy tín trên địa bàn.
Ngoài ra, người uy tín trong đồng bào DTTS còn làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để nắm tình hình trong Nhân dân ở khu dân cư, thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhờ đó, nhận thức của đồng bào DTTS trong sản xuất, kinh doanh, công tác xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc được nâng lên rõ rệt.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, người có uy tín vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Nghệ An đã tích cực vận động nhân dân thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tích cực phối hợp, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất; vận động đồng bào dân tộc ở các thôn tích cực phát triển kinh tế.
Điển hình có nhiều gia đình người có uy tín đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại, không những giúp gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật.
Đã xuất hiện nhiều tấm gương người có uy tín áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại như trồng cam ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông; mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu; mô hình trồng gừng, khoai dong riềng, mận tam hoa ở huyện Kỳ Sơn; mô hình nuôi trồng thêm các loại dược liệu dưới các tán rừng theo chương trình dược liệu tại các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống,...
Trong xây dựng hệ thống chính trị giữ gìn an ninh biên giới cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để Nhân dân tham gia đóng góp vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và cùng chính quyền địa phương vận động, tổ chức thực hiện; trong đó ý kiến người có uy tín được quan tâm và đề cao vai trò tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện.
Người có uy tín trong đồng bào DTTS cũng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc tang lễ, cưới hỏi, cúng tế, giỗ chạp,… cũng như trong việc loại bỏ nhiều hủ tục, tập tục lạc hậu. Nhờ đó, đời sống tinh thần của nhân dân vùng đồng bào DTTS ngày càng văn minh, tiến bộ.