Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ (KH - CN) vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An bước đầu đã giúp người dân thay đổi nhận thức, coi tiến bộ KH - CN là nguồn lực giúp xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, là trụ đỡ của kinh tế trong khó khăn do thiên tai, dịch bệnh....
Hiện, đã có nhiều chương trình, đề án tập trung hỗ trợ giúp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như Chương trình 30a, Ðề án 135…, trong đó Chương trình nông thôn miền núi được đánh giá có tác động lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các vùng nông thôn miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh trong thời gian qua.
Triển khai Chương trình nông thôn miền núi, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai KH - CN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn vừa đã có sự chuyển biến tích cực. Theo đó, có 11 dự án được thực hiện, trong đó bảy dự án do T.Ư quản lý và bốn dự án T.Ư ủy quyền cho địa phương quản lý. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương là 29,28 tỷ đồng, ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh là 5,09 tỷ đồng và huy động từ nhân dân, doanh nghiệp là hơn 40 tỷ đồng. Các dự án đã tổ chức xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH - CN như: mô hình liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ một số giống cam; chuỗi giá trị sản xuất lúa Japonika J02; mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cho cây lạc; mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất rau hữu cơ; mô hình chuỗi giá trị sản xuất chè xanh… Thông qua các dự án được triển khai, đã đào tạo được 92 cán bộ kỹ thuật và tập huấn kỹ thuật cho 2.600 lượt nông dân nắm vững các quy trình được chuyển giao, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, làm chủ 47 công nghệ mới.
Theo lãnh đạo Sở KH và CN Nghệ An, các dự án bước đầu đạt được những kết quả nhất định, năng suất, chất lượng sản phẩm của mô hình tăng lên rõ rệt. Một số mô hình đã được nhân rộng ra nhiều địa bàn và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thí dụ: mô hình chuỗi giá trị sản xuất lúa Japonika J02 trên địa bàn các huyện miền tây đến nay đã mở rộng ra nhiều huyện trên địa bàn tỉnh, hiệu quả kinh tế của dự án khá lớn, đạt 8,2 tỷ đồng trong thời gian thực hiện dự án; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ một số loại cam theo mô hình liên kết giá trị có hiệu quả kinh tế đạt gần 2,5 tỷ đồng trong thời gian thực hiện dự án; mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cho cây lạc có hiệu quả kinh tế đạt gần 8,5 tỷ đồng…
Mặt tích cực nhất trong ứng dụng tiến bộ KH - CN vào sản xuất là công nghệ cao được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, chế biến sau thu hoạch, sản xuất sạch, an toàn và thân thiện với môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Qua đó, người dân vùng triển khai dự án có ý thức địa phương, nhất là vùng nông thôn miền núi khu vực miền tây Nghệ An.
Kiều Nga