Vòng quay luẩn quẩn

Một ngày giữa tháng 7, trong cơn mưa tầm tã, anh Lô Văn Nhất (SN 1988, huyện Quế Phong, Nghệ An) điều khiển xe đi qua những cung đường ngoằn ngoèo để hỗ trợ người nghiện ma túy, nhiễm HIV.

Anh Nhất là một trong những thành viên nổi bật của Nhóm đồng đẳng Sao Va, nhóm cộng đồng hỗ trợ người nghiện ma túy, nhiễm HIV tại Quế Phong. Trước đây, anh Nhất cũng từng có quãng đời trượt dài trong lầm lỗi.

Sinh ra tại địa phương từng được mệnh danh là “thủ phủ” ma túy của Nghệ An, anh Nhất sớm bị bạn bè rủ rê sử dụng chất cấm. Anh nghiện ma túy từ năm học lớp 10.

MA-TUY-1
Anh Nhất từng có thời gian trượt dài trong lầm lỗi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh kể: “Những năm 2000, ma túy như cơn bão quét qua các xã vùng biên của huyện Quế Phong. Trong các cánh rừng, nhiều nhóm đối tượng buôn bán ma túy dựng lán, trại. 

Khi vô tình gặp người dân vào rừng hái củi, lấy nứa… chúng lôi kéo, dụ dỗ họ sử dụng ma túy. Thậm chí, chúng còn cho người dân mang ma túy về nhà hút. Rất nhiều người dân đã bị ảnh hưởng, lệ thuộc vào ma túy. Tôi là một trong số đó.

Sử dụng ma túy hơn 1 năm, tôi bị mẹ bắt quả tang. Lần ấy, tôi và người em đang hút ma túy trong bãi tha ma. Tôi nhớ như in hình ảnh nước mắt mẹ tuôn rơi và đứng chết trân khi bắt gặp, nghe tôi nói câu: 'Con đang chơi ma túy mẹ ạ'”.

Để dứt cơn nghiện ma túy, anh Nhất xin nghỉ học, ở nhà tự cai. Khi cắt được cơn, phục hồi sức khỏe, anh theo người thân vào TPHCM phụ hồ.

Không đủ tuổi lao động, phải làm chui và quá cực nhọc, sau 3 tháng bươn chải, anh trở về quê, xin đi học lại. Dẫu vậy, sau 1 học kỳ, anh lại dẫm vào vết xe đổ của mình. Anh tái nghiện, tiếp tục nghỉ học để cai. 

Cắt được cơn, anh xin đi làm kiếm tiền. Nhưng khi có tiền, về thăm nhà, anh lại sa vào “cái chết trắng”. Anh cứ lặp lại vòng luẩn quẩn ấy cho đến khi sức khỏe, cơ thể bị ma túy bào mòn.

Không còn cách nào khác, bố mẹ anh Nhất viết đơn, đưa anh đi cai nghiện tập trung. Sau 20 tháng cai nghiện, anh trở về nhà. Nhưng chỉ 4 tháng sau, anh lại chìm đắm trong làn khói trắng và phải trở lại trại cai nghiện.

Năm 2015, để có tiền sử dụng ma túy, anh Nhất bán chất cấm và bị bắt. Tuy nhiên, do trước đó sử dụng quá nhiều ma túy đá, bác sĩ kết luận anh bị động kinh nên được tại ngoại điều trị. 

Trong thời gian này, anh làm hồ sơ xin uống Methadone (thuốc điều trị cho người nghiện heroin) tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quế Phong. 

MA-TUY-2.jpg
Nhờ tình yêu thương của gia đình, anh tỉnh ngộ, thoát khỏi "cái chết trắng" để hỗ trợ người cùng hoàn cảnh như mình ngày trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong những ngày tháng ấy, có lần anh Nhất đã nghĩ đến việc tự kết thúc đời mình. Một lần, khi đưa chiếc thòng lọng vào cổ, anh nghe tiếng khóc cùng câu nói của mẹ vang lên sau lưng: “Con đừng làm như thế. Con là nguồn sống của bố mẹ”.

Câu nói khiến anh tỉnh ngộ và quyết làm lại cuộc đời. Anh tâm sự: “Đêm ấy, tôi nằm suy nghĩ, tự trách sao lại để bản thân rơi vào vòng luẩn quẩn nghiện rồi cai, cai xong lại nghiện như thế. Tôi dằn vặt bản thân vì đã bao lần chứng kiến mẹ khóc, nhưng vẫn không từ bỏ được ma túy. 

Câu nói của mẹ trong đêm ấy cùng lời động viên trong những lần bà vào thăm lúc tôi cai nghiện khiến tôi tỉnh ngộ. Từ đó, tôi mong muốn được sống như mọi người, khao khát hạnh phúc riêng nên quyết tâm từ bỏ ma túy”.

Trở thành con người mới

Cuối cùng, anh Nhất cai nghiện thành công. Năm 2020, anh Nhất đến trại giam Đồng Sơn (huyện Đồng Hới, Quảng Bình) chấp hành án phạt tù vì tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Đầu 2022, anh được tái hòa nhập cộng đồng. Trở về nhà, dù đã thoát khỏi ma túy nhưng những năm tháng bị cơn nghiện hành hạ vẫn ám ảnh tâm trí anh. Những ám ảnh ấy khiến anh quyết tâm giúp đỡ những người có cảnh ngộ như mình trước đây.

Trong thời gian uống Methadone tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quế Phong, anh Nhất tham gia nhóm hỗ trợ, vận động người sử dụng ma túy địa phương đi uống Methadone, xét nghiệm HIV.

Thế nên, khi được tái hòa nhập cộng đồng, anh quyết định đăng ký, trở thành thành viên Nhóm đồng đẳng viên Sao Va.

Tham gia nhóm, anh xung phong đến hỗ trợ cộng đồng người sử dụng ma túy, nhiễm HIV ở các xã xa nhất của huyện.

Mỗi ngày, anh rong ruổi hàng trăm cây số đường đèo, núi để tuyên truyền, vận động những người này thực hiện các biện pháp cần thiết, hỗ trợ người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.

Để làm công việc này, anh Nhất được trang bị kiến thức cơ bản đến chuyên sâu về người nghiện ma túy, nhiễm HIV.

Anh cũng nhận nhiệm vụ tiếp cận, vận động các đối tượng nguy cơ cao như người nghiện ma túy, gia đình có người nhiễm HIV... sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, dùng kim tiêm riêng, đi xét nghiệm sàng lọc HIV.

Sau đó, anh kết nối những người này vào chương trình điều trị bằng thuốc ARV nếu họ nhiễm HIV. Hàng tháng, anh chăm sóc, tiếp cận 40 - 60 người nghi nhiễm HIV.

Nhận nhiệm vụ ở rẻo cao xứ Nghệ, anh Nhất gặp không ít khó khăn. Ngoài địa hình hiểm trở, rộng lớn, anh còn gặp trở ngại khi kiến thức của người dân, người sử dụng ma túy tại đây về tác hại của ma túy, nguy cơ lây nhiễm HIV còn hạn chế. 

Hành trang của anh trong mỗi lần đi hỗ trợ người khác chỉ là gói xôi mẹ nấu, chai nước lọc, bộ xét nghiệm nhanh HIV, bơm kim tiêm, bao cao su để phát miễn phí…

MA-TUY-4.jpg
 Mỗi ngày, anh rong ruổi hàng trăm cây số đường đèo, núi để tuyên truyền, vận động những người sử dụng ma túy, nhiễm HIV thực hiện các biện pháp cần thiết, hỗ trợ người bệnh tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy vậy, anh nhận về nhiều niềm vui từ những người được mình hỗ trợ.

Nhiều cá nhân, gia đình khi được hỗ trợ, đã cám ơn anh bằng việc mời cơm. Dù vậy, anh Nhất thường khéo léo từ chối vì nếu ở lại, bà con sẽ tốn thêm con gà, chai rượu… trong khi họ còn nhiều khó khăn.

Dù bụng đói cồn cào, nhưng anh vẫn rời đi rồi lặng lẽ ghé vào vệ đường, nơi có bóng mát, lấy phần xôi mẹ chuẩn bị ra ăn lót dạ. Dẫu vậy, anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc này. 

Anh tâm sự: “Cực thật nhưng tôi sẽ không từ bỏ việc này. Những người sử dụng ma túy, nhiễm lao, nhiễm HIV ở đây đã quen mặt tôi. Họ có số điện thoại, địa chỉ nhà, văn phòng của tôi. Khi cần, họ đều gọi nhờ hỗ trợ. Vì vậy, tôi không thể bỏ rơi họ.

Tôi cũng muốn gửi đến cộng đồng người nhiễm HIV, sử dụng chất ma túy rằng mọi người đừng sợ xã hội kỳ thị mà hãy sống lạc quan, yêu đời. Các bạn không cô đơn, cô độc vì xã hội không bao giờ bỏ rơi các bạn.

Xã hội còn nhiều người sẵn sàng giúp đỡ các bạn. Tuy nhiên, để sự giúp đỡ ấy hiệu quả nhất các bạn phải tự tin, yêu đời và phải có nghị lực sống”.

Thành viên nổi bật

Anh La Chung Hiền, cán bộ Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, Trưởng nhóm đồng đẳng Sao Va cho biết, nhóm thành lập năm 2021 với sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI). Trước đây, nhóm có 9 thành viên, nhưng hiện chỉ còn 5 người, trong đó có anh Lô Văn Nhất. 

“Sau khi chấp hành án, tái hòa nhập cộng đồng, Nhất có ý định tham gia nhóm để hỗ trợ cộng đồng nên chúng tôi tạo điều kiện.

Nhất tiếp thu nhanh kiến thức, kỹ năng trong các buổi tập huấn. Ngoài ra, Nhất từng có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ cộng đồng người sử dụng ma túy, có nguy cơ lây nhiễm HIV nên làm việc rất hiệu quả.

Trong quá trình tham gia công tác tại nhóm, Nhất rất năng nổ và được nhận định là một trong những thành viên nổi bật nhất”, anh Hiền nói.

Thông tin thêm, ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết, Nhóm đồng đẳng viên Sao Va thành lập cách đây ít năm và hoạt động rất hiệu quả.

Ông Trung nhận định: "Quế Phong là một trong những huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An. Đường sá tại địa phương hiểm trở, đi lại rất khó nên mạng lưới cơ sở y tế mỏng.

Dù vậy, các thành viên của Nhóm đồng đẳng viên Sao Va đã đi hết mọi ngõ ngách của các thôn bản để hỗ trợ, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc những bệnh nhân nhiễm HIV, người nghiện, tiêm chích, sử dụng ma tuý.

Các thành viên khi làm việc chỉ được phụ cấp một số tiền nhỏ gọi là chi phí xăng xe đi lại, nhưng vẫn nhiệt tình công tác và hoạt động rất năng nổ, đạt hiệu quả cao.

Nói đúng hơn, họ làm việc này bằng cái tâm, cùng niềm đam mê và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, với những người nhiễm HIV, sử dụng ma tuý".