Theo ước tính, tại Việt Nam mỗi năm có hàng trăm vụ mua bán người. Họ là những phụ nữ, trẻ em nghèo và thiếu thông tin.

Theo thống kê của IOM, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ buôn bán người cao nhất trên thế giới, trong đó ASEAN là một trong những khu vực xảy ra vấn nạn buôn bán người nhức nhối nhất. Trong số 2,5 triệu người bị buôn bán thì đa phần đến từ châu Á- Thái Bình Dương. Có 1/3 nạn nhân bị buôn bán là phụ nữ và trẻ em trên thế giới đến từ các quốc gia Đông Nam Á. Đáng chú ý là hầu hết họ là những người nghèo khó và thiếu thông tin.

Khảo sát mới đây của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, có tới 68% nạn nhân bị buôn bán là người chưa lập gia đình. Hầu hết nạn nhân đều có kinh tế khó khăn thuộc hộ nghèo (chiếm 84%), 71% là người làm ruộng hoặc không nghề nghiệp. Đa phần các trường hợp buôn bán đều nhằm mục đích cưỡng ép kết hôn và bóc lột tình dục. Phụ nữ và các bé gái càng nghèo càng thiếu thông tin càng dễ trở thành những “món hàng” bị buôn bán.

Số liệu tổng điều tra, rà soát hồi tháng 5/2016 của Cục phòng chống tệ nạn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, Việt Nam có 2.596 trường hợp của nạn mua bán người, trong đó có 1.162 nạn nhân; 1.414 người nghi bị mua bán và 26 người chưa thành niên trở về cùng nạn nhân.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Ở những tỉnh miền núi, giáp ranh với Trung Quốc. Nghèo đói cũng tỷ lệ thuận với nạn buôn bán người ở nơi đây. Thống kê mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2016 cho thấy, chỉ riêng Lào Cai đã có tới 392 vụ buôn bán, 267 nạn nhân bị buôn bán (chưa kể nạn nhân từ tỉnh ngoài), con số này chỉ xếp sau Sơn La. Các địa phương có nhiều nạn nhân nhất là Sơn La (367 người), Lào Cai (267), Nghệ An (263). Có tới 97% số người bị buôn bán là phụ nữ, trong đó, dân tộc Kinh chỉ chiếm 20%, còn lại là các dân tộc khác. Có 86% là phụ nữ trên 30 tuổi.

Tại một cuộc hội thảo, báo chí đã dẫn lời ông Sùng A Chỉnh – Trưởng thôn Sơn Hà, xã Cốc Mì, Bát Xát, Lào Cai cho biết, nơi trong 5 năm qua có tới 25 chị em bị lừa bán. Ông Chỉnh cho biết, “Thôn này nghèo lắm, đói lắm nên họ mới ra đi...”. Bản thân ông Chỉnh cũng là một trong số nhiều ông chồng ở xã Cốc Mì bị mất vợ.

Trình độ dân trí thấp, hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến các loại hình tội phạm trong dó có nạn buôn bán người… là những tồn tại phổ biến trong dân cư vùng sâu vùng xa,thậm chí cả với những đô thị, thành phố lớn nhưng gia đình, nhà trường chưa có sự quan tâm, giáo dục sát sao về vấn đề này. Nhiều vụ việc xảy ra với những tình tiết đơn giản đến không ngờ mà nếu như một người có nhận thức, hiểu biết về vấn đề này sẽ không bao giờ mắc phải. Trên thực tế, các nạn nhân vẫn bị dỗ ngon, dỗ ngọt bởi các chiêu bài tìm việc làm nhàn hạ nhưng lại có thu nhập cao. Họ dễ dàng theo đối tượng có khi chỉ quen biết sơ sơ đến những nơi xa lạ để mong có cơ hội đổi đời.

Đói nghèo, thất học và thất nghiệp là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhu cầu và xu hướng di dân tìm việc làm và thu nhập, nó chứa đựng cả hai yếu tố nói trên. Đói nghèo và thất nghiệp dẫn đến những ham hố lợi ích vật chất của nạn nhân và thất học dẫn đến sự hạn chế về nhận thức, hiểu biết. Nạn nhân sống trong tình trạng nghèo đói,không có việc làm, thiếu kiến thức và giáo dục là những điều kiện thuận lợi cho bọn buôn người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ.

Một chuyên gia phòng chống buôn bán người, từng tiếp cận với nhiều nạn nhân từ nhiều tỉnh thành của Trung Quốc trở về qua cửa khẩu Lào Cai cho biết, đa phần nạn nhân không hiểu biết gì về buôn bán người và đều đến từ những vùng vùng khó khăn, gia đình nghèo khó.

Vì vậy, nên truyền thông tại cụm, truyền thông trực tiếp tại địa phương ở thôn, bản, đặc biệt là những vùng khó khăn để người dân hiểu và cảnh giác nhận thấy cạm bẫy buôn bán người mà đề phòng, vị này khuyến cáo.

Minh Vy - Diệu Thúy