- Các anh chị có biết, bao nhiêu người đang ao ước nghỉ 7 ngày liên tục vui Tết với bố mẹ, với anh em mà đành ngậm ngùi không? 7 ngày đã là quý lắm rồi nên làm ơn đừng đòi thêm, đòi bớt nữa!
Diễn đàn nghỉ Tết lần này quả thật đã "chạm nọc" rất nhiều người. Đọc bài viết "Làm 'osin' 10 ngày, Tết ơi đừng đến nữa" của cô bạn Hằng Nguyễn, thật ra tôi thấy cô ấy nói cũng có cái lý riêng.
Làm dâu mới, quê chồng cách có 40 km nên cô ấy phải "lăn như bống" suốt gần chục ngày nghỉ Tết ở quê chồng, chỉ hầu cơm hầu rượu, hầu dọn rửa bát đũa không cả ngóc đầu lên được thì đúng là ai cũng thấy chối tỉ lắm. Cô ấy mong nghỉ Tết ít thôi cho cô ấy đỡ ngậm ngùi kể cũng phải.
Gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng/ Báo Ninh Bình |
Lại có mấy anh đàn ông xông pha diễn đàn chê cô này quá ích kỉ, lười biếng nên mới sợ Tết nghỉ dài.
Xin thưa là các anh chỉ có việc ngồi rung đùi chờ cơm rượu, rồi giao lưu bài bạc thâu đêm suốt sáng, chả đỡ hộ vợ đến việc nhỏ nhất là chặt thịt gà, bê mâm, thì các anh nói to lắm.
Ngày Tết, các bà vợ thường đau nhừ xương khớp vì được vận dụng tối đa công suất băm, chặt, đun nấu và dọn rửa, Không chỉ vậy, họ còn lo ngay ngáy không biết đã vừa ý nhà chồng chưa, không biết làm cỗ bày biện thế này đã ưng ý ông chồng khó tính của mình chưa?
Vì bị chê đầu năm thì đen đủi lắm, nên các bà vợ thường rất áp lực, bao nhiêu tinh hoa phải trổ tài bằng hết. Mà thường cố quá thì thành hậm hực, bực dọc, thành ra ghét Tết.
Nhiều anh chị quê xa họ nói cũng rất có lý. Chen chúc tàu xe, dành dụm tiền bạc cả năm để về thăm bố mẹ, họ hàng, mà nghỉ ít ngày thì đúng là thiệt đơn thiệt kép. Tiền đem rải đường, chưa kịp hỏi han chăm sóc bố mẹ đã phải cuống cuồng lo gồng gánh nhau ra chỗ làm, phải nói là mệt không ít.
Ai nói cũng có cái lý của mỗi người, nhưng mà bản thân tôi thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu chính sách họ đã tính trung bình cộng rồi, sao cho kì nghỉ Tết phù hợp nhất. Ai xa, ai gần cũng đều được hưởng trọn vẹn vị Tết Cổ truyền.
Tôi xin kể thêm 1 chút chuyện của cá nhân tôi. Vợ chồng tôi làm trang ngành giao thông, các ban ngành hành chính sự nghiệp thì cứ lễ Tết là nghỉ đều như vắt chanh chứ chúng tôi làm ban kíp, làm phục vụ nên ngày lễ, Tết không cũng không được nghỉ
Đơn vị chỉ ưu tiên ai quê xa nhất thì được phép nghỉ Tết vài ngày, nhiều nhất là 3 ngày, còn đâu cứ kẻ công như bình thường.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet |
Thế mới có chuyện chúng tôi phải đổi ban cho nhau để lấy ngày về quê. Có năm tôi làm mùng 1, mùng 2 Tết để về quê mùng 3, mùng 4 vì trùng vào ngày bà nội làm lễ thượng thọ.
Nhiều năm, tôi và anh chị em đồng nghiệp đón giao thừa, đón Tết ở cơ quan chứ không mấy khi được quây quần sắm Tết, ăn Tết, hưởng Tết như nhiều người. Vợ chồng tôi về quê nội ăn với mẹ chồng bữa cơm chiều mùng 1.
Mai lại nhấp nhổm về quê ngoại 2 ngày, rồi lên lại căng mình lên làm trả ban. Chúng tôi đón Tết chưa bao giờ thư thả.
Tôi chỉ nhớ mẹ đẻ tôi thường nói mát: "Vợ chồng anh chị bận gì mà bận ghê gớm, về quê ăn Tết mà phải xin xỏ, đổi chác đến sợ". Anh chị em trong đơn vị thì đều hô to khẩu hiệu: "Bóp miệng nuôi con ăn học thành tài, quyết không cho con nối nghiệp công nhân giao thông".
Đơn giản vì lẽ, suốt đời công nhân chả bao giờ biết đến khái niệm ăn Tết đàng hoàng, vui chơi tẹt ga như người khác.
Thế nên các vị làm hành chính sự nghiệp, làm công sở được nghỉ Tết dài thì nên ung dung mà hưởng. Các anh chị có biết, bao nhiêu người đang ao ước nghỉ 7 ngày liên tục vui Tết với bố mẹ, với anh em mà đành ngậm ngùi không? 7 ngày đã là quý lắm rồi nên làm ơn đừng đòi thêm, đòi bớt nữa!
Còn ai nghỉ Tết mà chỉ lo sướng mỗi cái thân mình, đi chơi, đi phượt không phải chăm sóc, hỏi han người thân, thì xin mời cứ độc thân mãi nhé!
...
Tết Nguyên Đán (Tết Cổ truyền) được xem là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt. Việc nghỉ Tết dài hay ngắn ngày đang nhận được nhiều tranh luận trái chiều. Độc giả có bài viết chia sẻ về chủ đề này, xin gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải. Trân trọng cảm ơn! |
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Hồng tỉ muội