Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định 52 là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.

{keywords}
Nghị định 52/2021/NĐ-CP đưa ra rất nhiều nội dung trong chính sách hỗ trợ DN

Nghị định 52 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi trong bối cảnh các DN đang gặp khó khăn, trở ngại do tác động của COVID-19. Nghị định đã đưa ra rất nhiều nội dung trong chính sách hỗ trợ DN, giúp DN giảm tải các áp lực về kinh doanh, về tuân thủ các quy định về kinh doanh, về thời gian tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong Nghị định có đưa ra một con số dự kiến là 115.000 tỷ đồng. Nếu mục tiêu này đạt được, rõ ràng tác động rất tích cực lên hoạt động chung của DN. Qua đó tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, tư tưởng và niềm tin của cộng đồng. Rõ ràng nó tác động một lúc vào 3 lĩnh vực như vậy. Đây là điều rất tích cực.

Điểm thứ hai, Nghị định 52 ra đời cũng thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, vai trò của Nhà nước, Chính phủ trong việc ứng phó với khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Điều này tạo nên niềm tin cho cộng đồng kinh doanh. Trong khó khăn, niềm tin của người làm kinh doanh về cơ quan lãnh đạo, về cơ quan điều hành là rất cần thiết, giúp cộng đồng DN tin tưởng hoạch định ra những kế hoạch phù hợp với mình.

Nghị định 52 ra đời trước khi dịch bùng phát lần thứ 4, nhưng đến giờ phút này vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Tuy nhiên, vì Nghị định ra đời trước, nên chúng ta cũng phải nhìn nhận lại. Có những tình huống thực tế không lường trước được. Về mặt kỹ thuật rất cần phải xem xét, rà soát lại, bổ sung một số nội dung phù hợp với thực tế.

Duy Khánh