Cân nhắc việc đi chơi xa
Anh Lê Văn Trung ở Cầu Diễn (Hà Nội) cho biết, năm nay do được nghỉ 5 ngày nên gia đình anh đã đặt vé máy bay đi du lịch nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng.
"Dù vé cao hơn mọi năm (5 triệu đồng/người vé khứ hồi), nhưng do mấy năm dịch gia đình không đi chơi xa. Đợt này nghỉ dài, là dịp để mọi người cùng nhau đi chơi, thư giãn sau thời gian dài làm việc và học tập", anh Trung chia sẻ.
Không chọn Đà Nẵng là điểm đến dịp nghỉ lễ này, vợ chồng chị Ngô Thị Liên ở Xuân Đỉnh (Tây Hồ, Hà Nội) lại chọn Nha Trang (Khánh Hòa) với kỳ nghỉ dưỡng 5 ngày 4 đêm.
Theo chị Liên, dù vé máy bay khan hiếm, nhưng chị cũng đã kịp đặt cho cả gia đình 5 người với mức hơn 6 triệu đồng/người.
Chị Liên chia sẻ, giá vé máy bay quá cao là rào cản lớn nhất khiến gia đình chị băn khoăn giữa việc đi du lịch tại Nha Trang với về quê ở Quảng Bình. Nhưng vì đây là kỳ nghỉ 5 ngày, không phải năm nào cũng có nên vợ chồng chị vẫn quyết định mua vé bay vào Nha Trang từ tối 28/4.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, dù giá vé máy bay dịp 30/4 -1/5 tăng cao, nhưng nhiều đường bay đến điểm du lịch gần như hết vé đi ngày 29/4. Trong đó, đường bay Hà Nội - Tuy Hòa (Phú Yên), hoặc Hà Nội/TP.HCM - Phú Quốc; đường bay Hà Nội - Huế chỉ còn một hãng còn vé. Giá vé của các đường bay này khoảng từ 2,5 triệu đồng/chiều; đường bay Hà Nội - Nha Trang hoặc Quy Nhơn giá trên 3,3 triệu đồng/chiều…
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, dịp nghỉ lễ năm nay, lượng khách qua sân bay tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngày cao điểm nhất, sân bay Nội Bài đón hơn 96.000 lượt khách, với 580 lượt chuyến bay cất/hạ cánh, trong đó lượng khách đi nội địa hơn 68.000 lượt.
Riêng lượng khách quốc tế qua Nội Bài đã khôi phục bằng 80% của thời điểm chưa có dịch Covid-19 (năm 2019), với hơn 28.000 lượt khách.
Theo phản ánh của hành khách và đại diện của các đơn vị khai thác du lịch, việc vé máy bay tăng cao là nguyên nhân không nhỏ khiến nhiều gia đình phải “cân nhắc” lựa chọn đi lại nghỉ ngơi dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Tính rời Hà Nội sớm 1-2 ngày để tránh tắc đường
Không chọn đi chơi xa, dịp nghỉ lễ này, nhiều gia đình chọn phương án về quê và thăm gia đình bằng đường bộ.
Anh Nguyễn Văn Bình ở Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ dịp 30/4-1/5 là gia đình anh đi chơi xa, hoặc về quê thăm gia đình ở Thanh Hóa. Năm nay, vợ chồng anh Bình chọn phương án đi xe cá nhân về quê từ ngày 27/4 để tránh tắc đường ngày cao điểm.
“Năm nào tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình cũng ùn tắc. Năm nay dù đoạn cao tốc qua Ninh Bình thông xe, nhưng không chắc sẽ giảm được ùn tắc. Cách tốt nhất là nên tránh ngày cao điểm để không phải chịu cảnh tắc đường”, anh Bình bày tỏ.
Một lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, năm nay kinh tế khó khăn nên việc các gia đình chọn phương án đi du lịch sẽ hạn chế hơn so với mọi năm. Khi không đi du lịch, mọi người sẽ chọn về quê chơi nên áp lực từ giao thông đường bộ là không nhỏ.
Tuy nhiên, do hiện nay một số tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác hy vọng sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc hơn so với mọi năm.
Ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, bộ đã lên phương án chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Cục CSGT và các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn, giảm ùn tắc tối đa dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.