Doanh nghiệp và doanh nhân

Mỗi doanh nghiệp là một thiết chế kinh tế, với chức năng số một là sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của con người. Xã hội càng hiện đại thì các loại hình doanh nghiệp càng trở nên phong phú, phạm vi hoạt động ngày càng rộng, và chức năng ngày càng đa dạng. 

Những người nắm quyền sở hữu, quản lý, điều hành doanh nghiệp được coi là các doanh nhân. Nguyên lý căn bản trong hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân là phải tạo ra giá trị thặng dư, hay “có lãi”.

Ở bất cứ xã hội nào và giai đoạn phát triển nào, cấu trúc xã hội phân chia theo tiêu chí nghề nghiệp đều phản ánh trình độ phát triển của mỗi nền kinh tế-xã hội. Việt Nam vốn là một nền kinh tế nông nghiệp, lực lượng lao động chủ yếu là “nông dân”. Hoạt động kinh doanh, thương mại kém phát triển khiến cho số lượng những người được coi là “doanh nhân” còn ít. 

Cũng vì thế, cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, doanh nhân vẫn chưa được coi trọng cho nên được xếp ở vị trí cuối cùng trong số “tứ dân” gồm: “Sỹ, nông, công, thương”.

Trong gần một thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ, lực lượng doanh nhân người Việt cũng xuất hiện nhưng luôn bị chèn ép từ phía các doanh nhân đến từ chính quốc, cũng như chính quyền thuộc địa. 

doanh nhan 1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nhân tại buổi gặp mặt vào chiều 11/10/2023. Ảnh: VGP

Ba thập kỷ chiến tranh (1945-1975) và chủ trương xây dựng nền kinh tế XHCN theo mô hình cổ điển sau khi đất nước thống nhất (1975-1985) đã khiến các yếu tố kinh tế thị trường không thể phát triển, kèm với đó là sự vắng bóng của các “doanh nhân”. 

Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, sự phát triển của lực lượng doanh nhân Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng. Theo thống kê, với gần 1 triệu doanh nghiệp (chủ yếu quy mô vừa và nhỏ), gần 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, dự kiến đến năm 2025 sẽ có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp. 

Như vậy, số lượng doanh nhân thực sự ở nước ta hiện nay chỉ chiểm tỷ lệ rất thấp trong cơ cấu dân số, khoảng 2 triệu người.

Từ năm 2011, Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã nhận định: đội ngũ doanh nhân nước ta “mới hình thành và phát triển, chưa có tích lũy nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh”.

Thực tế nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về nhận thức, như đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TW: “Ở một số nơi, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đối với doanh nhân còn hạn chế, chưa có được sự thống nhất nhận thức về vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Vị thế của doanh nhân

Vị thế của cá nhân hay nhóm trong xã hội không chỉ phản ánh chỗ đứng của cá nhân/nhóm trong hệ thống phân tầng xã hội, mà còn cho thấy mức độ thừa nhận từ phía xã hội đối với vai trò, thể hiện qua những giá trị mà họ đóng góp cho cộng đồng. 

Tại các quốc gia thịnh vượng, lực lượng doanh nhân luôn được coi trọng, có vị thế cao, và doanh nhân trở thành một giá trị xã hội được nhiều người đề cao.

Theo quy luật phát triển trong lịch sử nhân loại, để cải thiện vị thế xã hội của doanh nhân thì không chỉ gia tăng số lượng, mà quan trọng hơn là phải tạo điều kiện để họ ngày càng đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. 

Một điều kiện then chốt cho sự trưởng thành của lực lượng doanh nhân là phải thiết lập được nền kinh tế thị trường hiện đại, với những đặc trưng như: mở rộng tự do kinh tế, quyền tài sản được bảo vệ, cạnh tranh bình đẳng, quản lý Nhà nước công khai, minh bạch.

Ban hành ngày 10/10/2023, Nghị quyết số 41-NQ/TW tiếp tục khẳng định quan điểm coi trọng vị thế và vai trò của lực lượng doanh nhân nước ta trong thời kỳ mới. Doanh nhân được xác định là “một trong những lực lượng nòng cốt” trong tiến trình hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo: đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. 

Để trở thành những “doanh nhân dân tộc”, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng được yêu cầu phải “có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật”, coi trọng những giá trị đạo đức, văn hóa và văn minh trong sản xuất, kinh doanh. 

Bên cạnh các định hướng giải pháp tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết số 41-NQ/TW khẳng định những quan điểm ủng hộ tự do sản xuất, kinh doanh, giới hạn mức độ can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế như: “không hình sự hóa quan hệ kinh tế…bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng”.

Được xác định là một chủ thể “nòng cốt” trong tiến trình phát triển đất nước, Nghị quyết số 41-NQ/TW khẳng định quan điểm tôn trọng và bảo vệ quyền, tiếng nói, lợi ích của đội ngũ doanh nhân. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được xác định là “tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp”.

Nghị quyết số 41-NQ/TW cũng nêu ra những định hướng nhằm tiếp tục cải thiện vị thế của lực lượng doanh nhân trong các quá trình chính trị và thực thi chính sách, như: “tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội, và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan”. “Nhà nước nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện doanh nhân tham gia cung cấp một số dịch vụ công phù hợp”.

dai hoi.jpeg
Khái niệm “quản trị” trong văn kiện đại hội Đảng đã cho thấy tư duy mới.

Doanh nhân và quản trị quốc gia

Báo cáo chính trị của BCH TW khóa XII trình đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược của nhiệm kỳ là: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. 

Việc sử dụng khái niệm “quản trị” trong văn kiện đại hội Đảng đã cho thấy tư duy mới, chuyển dần từ tư duy “quản lý” trong các xã hội truyền thống đến tư duy “quản trị” trong xã hội hiện đại.

Quản trị, có thể hiểu một cách khái quát, là cách thức “chèo lái, dẫn dắt” một cộng đồng xã hội, cách thức vận hành xã hội dựa trên sự dung hòa và giải quyết các lợi ích cạnh tranh nhau giữa các nhóm xã hội khác nhau. Khác với tư duy quản lý vốn chỉ nhấn mạnh vai trò trung tâm của chính quyền/Nhà nước, các cấu trúc quản trị hiện đại bao gồm cả các chủ thể, thể chế tồn tại bên ngoài khu vực Nhà nước.

Cụ thể hơn, các cấu trúc quản trị không chỉ bao gồm các thể chế chính thức như chính quyền, luật pháp, nguyên tắc & quy định hành chính… mà còn nhấn mạnh vị thế và vai trò của các chủ thể tư nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận, các định chế khu vực và quốc tế, cũng như tính tích cực và chủ động của mỗi công dân. Mối quan hệ giữa các chủ thể quản trị trong thế giới đương đại được hình thành theo chiều ngang, có tính chất đối tác, hợp tác, và bình đẳng hơn.

Trong một khung khổ quản trị đa chủ thể như vậy, lợi ích công không còn là cơ sở duy nhất cho các quyết định chính sách. Thay vào đó, các mong đợi lợi ích của các chủ thể quản trị có vai trò quan trọng đối với quy trình quản lý, điều hành nền kinh tế - xã hội. Các chính sách có xu hướng bị chi phối nhiều hơn bởi lợi ích của các chủ thể chứ không phải chỉ lợi ích công. 

Vì thế, thách thức lớn nhất trong quá trình xây dựng nền quản trị hiện đại là thiết lập các điều kiện thể chế vững chắc để các cam kết đa chủ thể có thể thực thi nghiêm túc. 

Quản trị quốc gia đề cập đến các hệ thống kinh tế - chính trị gắn với những không gian lãnh thổ có chủ quyền, quyền lực quản trị được phân bố cho các chủ thể cả trong và ngoài nhà nước. 

Như vậy, cấu trúc quản trị quốc gia bao gồm các cơ chế, quá trình, và thể chế qua đó công dân và các nhóm xã hội khớp nối các lợi ích đa dạng, thực thi các quyền pháp lý của họ, hoàn thành bổn phận của họ, và điều hòa sự khác biệt cả về quan điểm và lợi ích.

Hoạt động quản trị quốc gia là việc các chủ thể cùng thực thi quyền lực chính trị, kinh tế, và hành chính để giải quyết các vấn đề mang tính tập thể ở mọi cấp độ. Với tư duy quản trị, phát triển đội ngũ doanh nhân người Việt là nhu cầu tất yếu trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu “quốc gia phát triển” vào năm 2045.

TS Nguyễn Văn Đáng

Sức chống chịu phi thường của các doanh nhânÔng Tạ Đức Đôn lặng lẽ đi dọc con đường nhỏ trong khuôn viên của công ty sản xuất gạch đóng tại xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Trước mặt ông là hơn 10 triệu viên gạch bị tồn kho, xếp thành từng chồng chất cao như núi, chạy dài tít tắp.