Trong lúc tâm điểm dư luận đang ầm ĩ những bình phẩm khiếm nhã, thì ngay trên mạng xã hội, không ít bạn trẻ đã bày tỏ thái độ không đồng tình với việc ném đá hội đồng của đám đông.

Những ngày đầu xuân, bên cạnh mối quan tâm về lễ hội, vui chơi sau tết, tâm điểm dư luận lại hướng về bức ảnh tưởng rất đỗi bình thường: hình ảnh thân thiết giữa một cô hoa hậu trẻ và vị giáo sư già.

Chuyện bắt đầu từ chuyến thăm viếng của Kỳ Duyên, Hoa hậu Việt Nam 2014 tới nhà Anh hùng lao động – GS Vũ Khiêu, người đồng hương, để thăm hỏi và chúc tết nhân dịp ông bước sang tuổi 100.

Theo lẽ thường, việc  ngày đầu năm mới, các bạn trẻ thuộc lớp cháu con thăm một vị lão thành luôn là một hành vi đẹp, thể hiện sự tôn kính, trọng vọng, cũng là nét phong tục đẹp của người Việt. Nhưng lập tức, ngay sau tết, một trong các bức hình thân thiết ghi lại chuyến thăm viếng, đã được cộng đồng mạng và dư luận đưa ra mổ xẻ, “ném đá” không thương tiếc. Không ai quan tâm đến bối cảnh của bức hình, thiện chí của khách lẫn chủ và những câu chuyện xung quanh buổi viếng thăm đó. Tất cả chỉ nhăm nhăm mổ xẻ, phán đoán hành vi, động cơ trong bức hình (trong lúc quên đi hàng loạt hình ảnh đi kèm của buổi chúc tết).

Theo tường thuật của báo chí, trong cuộc gặp mặt, Hoa hậu Kỳ Duyên đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và cảm phục trước tấm gương học tập và nghiên cứu không ngừng nghỉ của vị GS ở tuổi xưa nay hiếm. Ngược lại, GS Vũ Khiêu cũng bày tỏ niềm vui khi lần đầu gặp cô gái trẻ đồng hương. Ông cũng dặn dò tân hoa hậu phải luôn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, tích cực tham gia quảng bá hình ảnh của đất nước, tham gia vào các hoạt động xã hội, không ngừng cố gắng, nỗ lực học hỏi, trau dồi thêm kiến thức.

{keywords}

Câu chuyện đẹp ngày xuân, bỗng trở thành “xấu xí” bởi những suy diễn và mổ xẻ quá đà. Hàng nghìn lời châm biếm, mỉa mai ác ý đổ dồn về phía cụ già trăm tuổi khiến những  bức hình thể hiện tình cảm ấm áp giữa hai thế hệ bỗng trở nên méo mó lạ thường.

Phải chăng, dư luận quá ư khắc nghiệt, thiếu tính nhân bản khi công khai đả kích hành động biểu đạt tình cảm của một người già 100 tuổi. Cái tuổi quý hiếm, cái tuổi là niềm tự hào của con cháu, bạn bè, học trò. Hành vi  đó cũng là một mặt của thái độ thiếu tôn kính.

Có thể,  không ít lời khiếm nhã nặng nề dành cho GS Vũ Khiêu không phải chỉ từ mỗi chuyện bức ảnh. Nó còn xuất phát từ những thông tin bất lợi về đôi câu đối cho chữ, về những việc làm, những cống hiến cá nhân của cụ suốt thời gian qua. Mọi hành vi “tát nước theo mưa” cứ nhân đó mà lên ngôi.

Rất may, trong lúc tâm điểm dư luận đang ầm ĩ những bình phẩm khiếm nhã, thì ngay trên mạng xã hội, không ít bạn trẻ đã bày tỏ thái độ không đồng tình với việc ném đá hội đồng của đám đông.

Một blogger viết: “Thấy thương cho mấy anh hùng bàn phím hay chửi người khác. Chúng ta nên hành xử có đạo đức với một người bằng tuổi ông, cụ của mình. Một cái ôm và gương mặt thần thái có gì quá đáng đâu nhỉ? Nhin hình cảm giác được yêu thương. Tôi sinh ra đã không có cơ hội có ông, cả nội và ngoại, nên ước mình có ông để được ông vuốt tóc, thơm vào má, trán. Nhìn người khác có ông bà mà ganh tị dễ sợ”.

Cũng có không ít cư dân mạng đặt vấn đề về “văn hóa tranh luận trên mạng”, với băn khoăn, tại sao một sự việc tưởng như bình thường, chẳng có gì đáng bàn cãi lại được nâng tầm thành vấn đề gây bàn tán sôi nổi. Phải chăng đã hết đề tài nên hễ có gì dính đến người nổi tiếng lại được mang ra trở thành câu chuyện để mổ xẻ, thị phi mà không đếm xỉa tới việc những suy diễn thái quá, tiêu cực, nhẫn tâm đó đang góp phần ảnh hưởng đến cá nhân người khác.

Tất nhiên, còn nhiều chuyện cần nói sau câu chuyện ồn ã đầu năm này. Có một điều đáng nhớ, rằng, mọi ứng xử của "người của công chúng" rồi sẽ luôn luôn được mổ xẻ. Chỉ mong cho mọi điều tốt đẹp phải  được cổ vũ, khích lệ bằng cái nhìn bao dung, rộng mở hơn.

  • Mộc Quế