Tuy nhiên, theo tờ Business Insider, hiện các nhà khoa học chưa thể thống nhất về việc liệu khối đất bị chìm dưới nước này - được gọi là Zealandia - có phải là một lục địa hay không.
Vào năm 2017, một nhóm nhà địa chất tuyên bố nó là một phần của lục địa thứ 8 trên thế giới, nhưng không phải tất cả giới nghiên cứu đều bị thuyết phục. Trên thế giới đang có 7 lục địa được công nhận là châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Cực, châu Âu và Australia.
Bản đồ cho thấy vùng Zealandia được tô đường viền màu xám. Ảnh: NOAA |
Nick Mortimer, nhà địa chất học tại GNS Science của New Zealand và là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu năm 2017, nói với Insider: "Nó không giống như một ngọn núi, một quốc gia hay một hành tinh. Không có cơ quan chính thức nào cấp phép duyệt cho một lục địa".
Trong khi định nghĩa về lục địa còn gây tranh cãi, nhóm của ông Mortimer cho rằng lục địa nên có ranh giới xác định rõ ràng, chiếm diện tích lớn hơn 1 triệu km vuông, cao hơn lớp vỏ đại dương xung quanh và có lớp vỏ lục địa dày hơn hơn lớp vỏ đại dương đó. Và Zealandia đáp ứng tất cả các quy tắc đó.
Theo chuyên gia Mortimer nếu các đại dương khô cạn, Zealandia sẽ nổi lên như một cao nguyên cao, xuất hiện rõ ràng trên đáy đại dương. Ông coi đây là lục địa mỏng nhất, chìm nhất và nhỏ nhất.
Thế nhưng, vấn đề là cho đến hiện tại, lớp vỏ và đá lâu đời nhất từng được lấy mẫu từ Zealandia mới chỉ 500 triệu năm tuổi, trong khi tất cả các lục địa khác đều chứa lớp vỏ từ 1 tỷ năm tuổi trở lên. Tuy vậy, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một phần của lục địa ngập nước này thực chất có niên đại gấp đôi so với những gì các nhà địa chất nghĩ trước đây và điều này có thể thúc đẩy lập luận của Mortimer.
Bà Rose Turnbull, nhà địa chất người New Zealand và đồng tác giả của nghiên cứu, thông báo: "Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống trên đỉnh của một lục địa”.
Làm thế nào để định tuổi một lục địa?
Zealandia là thuật ngữ do nhà địa chất Bruce Luyendyk ghép thành năm 1995 từ tên gọi của quốc gia New Zealand và một tập hợp các khối vỏ chìm bị tách vỡ khỏi một siêu lục địa cổ đại có tên là Gondwana khoảng 85 triệu năm trước.
Khoảng 94% diện tích Zealandia chìm dưới sóng biển từ 30 triệu đến 50 triệu năm sau khi nó tách khỏi Gondwana. Vì vậy, đó là một vùng đất đầy thách thức đối với giới nghiên cứu.
Các nhà địa chất đằng sau nghiên cứu mới nhất đã kiểm tra 169 khối đá granit Zealandia được tìm thấy dưới quần đảo Nam và Stewart của New Zealand. Đá granit hình thành khi mắc ma kết tinh sâu bên trong vỏ Trái đất.
Bằng cách chiết xuất các tinh thể cực nhỏ từ đá granit, nhóm nghiên cứu đã có thể xác định tuổi của chính các tinh thể và lớp vỏ mà chúng hình thành. Kết quả cho thấy lớp vỏ từng là một phần của một siêu lục địa khác được gọi là Rodinia, được hình thành từ 1,3 tỷ đến 900 triệu năm trước.
Lập bản đồ Zealandia chi tiết chưa từng có
Một phần nhiệm vụ của bà Rose Turnbull là tạo bản đồ 4D về bờ biển phía Tây của Zealandia để hình dung ranh giới đó trông như thế nào trong không gian ba chiều và nó đã thay đổi như thế nào theo thời gian.
Năm ngoái, ông Mortimer đã lập bản đồ hình dạng và độ sâu của đáy đại dương xung quanh Zealandia.
Bản đồ 4D này, một phần của sáng kiến toàn cầu nhằm khảo sát toàn bộ đáy đại dương của hành tinh vào năm 2030, cũng tiết lộ kích thước và đường bờ biển của Zealandia một cách chi tiết chưa từng có. Ngoài ra, nhóm của ông Mortimer đã tạo ra bản đồ kiến tạo cho thấy vị trí của các lớp vỏ lục địa và đại dương tạo nên khối đất chìm dưới nước.
Theo ông Mortimer, những bản đồ chi tiết mới kết hợp với việc phát hiện ra rằng Zealandia lớn tuổi hơn dự tính đã cung cấp thêm bằng chứng rằng nó nên được coi là lục địa thứ 8.
Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng Zealandia cuối cùng sẽ xuất hiện trên bản đồ thế giới chung, được giảng dạy trong trường học và trở thành một cái tên quen thuộc như Nam Cực”.
Theo Baotintuc
Trái Đất sẽ ra sao nếu hố đen khổng lồ xâm nhập Hệ Mặt trời?
Hố đen có sức mạnh huỷ diệt lớn hơn tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Nếu Trái Đất bị hố đen tấn công, gần như sẽ không có cảnh báo trước.