Việc Bộ Chính trị sớm ban hành Chỉ thị 01, ngày 9-3-2021, về nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc này. 

{keywords}
Ảnh minh họa Anh Dũng

Các văn kiện lần này, nhất là Báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của Đại hội, có nhiều điểm mới, không chỉ tổng kết 5 năm nhiệm kỳ Đại hội XII mà còn nhìn lại suốt 35 năm đổi mới; không chỉ đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới mà còn xác định mục tiêu mười năm tiếp theo và tầm nhìn đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm Ngày Nhà nước ta ra đời. 

Theo đó, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra những yêu cầu mới, toàn diện, để giúp người học nhận thức rõ đường lối đổi mới trong 35 năm qua không ngừng được bổ sung, phát triển và từng bước hoàn thiện, phù hợp xu thế tất yếu của thời đại, nhưng không bao giờ xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong mục tiêu tổng quát ấy lại thấy rõ mục tiêu cụ thể, bước đi của mỗi chặng đường, như đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao,...

Bởi vậy, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là khâu tiền đề, có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống. 

Hữu Duyên