-Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo liên quan đến hoạt động khai thác và xuất khẩu cát của Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Xây dựng nghiên cứu việc ngừng xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia, ảnh hưởng của việc này tới thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng có giải pháp phù hợp để hướng dẫn các địa phương chủ động bảo đảm ổn định thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài (Ảnh minh họa). |
Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài.
Trước đó, báo chí có phản ánh việc Campuchia cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn. Theo đó, lệnh cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia là vì các vấn đề môi trường. Liên quan tới tình hình quản lý cát ở Campuchia, Bộ Xây dựng cho biết do lo ngại vấn đề môi trường sạt lở bờ sông trong việc khai thác cát, nên từ năm 2014 Campuchia đã cấm xuất khẩu cát xây dựng và từ tháng 11/2016, cấm xuất khẩu cát biển sang Singapore.
Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam đã cấm xuất khẩu cát xây dựng từ năm 2009. Việc xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét tại các cửa sông, cảng biển thời gian qua được thực hiện theo thông báo của Văn phòng Chính phủ vào năm 2012.
Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng vào tháng 6/2017, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc dừng hướng dẫn xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng tại các cửa sông, cảng biển.
Trước Campuchia, nhiều quốc gia cũng đã ban hành nhiều loại lệnh cấm xuất khẩu cát khác nhau. Cũng vì lo ngại về môi trường Malaysia đã bắt đầu lệnh cấm xuất khẩu cát từ năm 1997, Indonesia công bố lệnh cấm xuất khẩu cát sang Singapore vào năm 2007.
Hồng Khanh
Đến năm 2020 dự báo không còn cát để xây dựng
Với mức độ sử dụng cát như hiện nay Bộ Xây dựng cảnh báo đến năm 2020 sẽ hết không còn cát phục vụ công trình xây dựng.