Theo ghi nhận của PV, khu vực ngoài đê sông Hoàng Long (đoạn qua khu vực huyện Nho Quan) và khu vực xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn có hàng nghìn hộ dân bị ngập nước.
Nặng nề nhất là tại làng Kênh Gà, xã Gia Thịnh, gần như cả vùng bị cô lập, nước dâng cao 1,5m so với mặt đường, nhiều nhà dân ngập sâu 0,5-1m.
Các hộ dân phải kê đồ lên cao để tránh bị nước ngập làm hư hỏng tài sản và đưa gia súc, gia cầm lên trên bờ đê. Phương tiện đi lại lúc này chủ yếu bằng thuyền.
Bà Trần Thị Lan (trú thôn 2, làng Kênh Gà) cho biết, từ năm 2017 đến nay, nước sông Hoàng Long mới dâng cao như vậy. Người lớn, trẻ nhỏ đều phải tìm nơi trú ẩn. Hiện nước vẫn tiếp tục dâng cao.
Cũng theo bà Lan, do sống ở khu vực ngoài đê nên đa số các gia đình đều sắm thuyền để đi lại khi đến mùa nước dâng.
Ông Trần Duy Nhất, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn cho biết, toàn bộ làng Kênh Gà với 683 hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Nhiều ngày nay hơn 200 học sinh (điểm trường tiểu học, mầm non đặt ở Kênh Gà) phải nghỉ học.
Cũng theo ông Nhất, hiện nước sông Hoàng Long tiếp tục dâng và có thể khiến nhiều nhà dân bị ngập hết tầng một.
Tại huyện Nho Quan, ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện cho biết, vùng ngập lụt chủ yếu nằm ngoài đê, tại các xã Đức Long, Lạc Vân, Gia Thủy, Gia Sơn, Xích Thổ... Hiện có hơn 300 hộ dân bị ngập từ 0,2 - 0,8m.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã có công điện gửi các sở, ban, ngành, các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố về việc thường xuyên theo dõi diễn biến, cập nhật tình hình mưa lũ; nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện; tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút; nghiêm cấm xe có tải trọng lớn chạy trên đê.
Một số hình ảnh ngập lụt khu vực ngoài đê sông Hoàng Long: