Mời quý độc giả theo dõi video:

Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã để lại nhiều hệ lụy, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, lạc hậu, chậm phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trước đây, khi đến các xã miền núi của huyện Ngọc Lặc, không khó để bắt gặp hình ảnh những cô bé đang ở độ tuổi 14, 15 đã phải làm vợ, làm mẹ vì tảo hôn. Điển hình như ở xã Trung Lý, năm 2019 trở về trước, hằng năm có khoảng 18 - 20 cặp tảo hôn. Tình trạng tảo hôn thường xảy ra nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán, dịp nghỉ hè. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo ở các bản, ở xã còn cao.

Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn có chiều hướng giảm; các cấp chính quyền cơ sở cũng đã cơ bản xóa tình hôn nhân cận huyết thống. Kết quả này là có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng.  Tuy nhiên, để chấm dứt nạn tảo hôn thì không phải “một sớm một chiều”, mà công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền như thông qua các hội nghị, tập huấn, nói chuyện truyền thông, hội thi (sân khấu hóa), giao lưu văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền qua pano, áp phích, tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Cùng với đó, các địa phương đã tranh thủ sự ảnh hưởng của Người có uy tín để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong Nhân dân; cùng với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình điểm tại Trường học về tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức nói chuyện truyền thông trong cộng đồng; tổ chức sinh hoạt định kỳ các câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS.

Hiện nay, tại các bản cũng đã đưa vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước của bản. Xã đã phối hợp với phòng dân tộc, phòng tư pháp, lực lượng công an, biên phòng tổ chức các buổi tuyên truyền tại các bản, các điểm trường để nâng cao nhận thức của người dân, các em học sinh.

Tại hội nghị tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Phòng Dân tộc, huyện Ngọc Lặc vừa triển khai tại xã Quang Trung- nơi có đông đồng bào dân tộc Mường, người dân sẽ được truyền thống về Luật Hôn nhân và Gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; Bà con còn được cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kiến thức về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Quyết liệt loại trừ hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết để thúc đẩy chất lượng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, huyện Ngọc Lặc thường xuyên phát động các phong trào thông qua thành lập nhóm, hội, lập các diễn đàn, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm học tập cộng đồng; Đặc biệt phát huy vai trò già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong đồng bào,…

Các nội dung tuyên truyền qua tờ rơi, chương trình phát thanh, hội diễn, hội thi đều bằng tiếng dân tộc, có trọng tâm, sát với thực tiễn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và nhận thức của từng nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.

Với những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đến nay, các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa cơ bản đã xóa tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng tảo hôn giảm dần qua từng năm.