Con Cuông là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, 80% dân số là người dân tộc thiểu số, bao gồm các dân tộc: Thái, Đan Lai, Tày, Nùng, Ê Đê, Khơ Mú và Hoa sinh sống tại 13 xã, thị trấn trong huyện. Nhiều năm trước đây, đồng bào chủ yếu dựa vào nông nghiệp trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Là một trong những huyện được quan tâm hàng đầu khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 tại Nghệ An, huyện Con Cuông đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi mô hình cây trồng để phát triển bền vững. 

Mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo đã được thí điểm trên diện tích 1 hecta, với 25 hộ dân tham gia tại xã biên giới Châu Khê. Ngoài vật tư, phân bón, cây giống, các hộ dân còn được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cà gai leo. Do phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cà gai leo ở đây sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Đến nay, xã Châu Khê đã có khoảng 70 hộ dân trồng cà gai leo trên diện tích 6,5ha.

W-giam ngheo mien nui.jpg
Hướng đi giảm nghèo đúng đắn giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên.

Giữa cánh đồng bạt ngàn xanh của cây cà gai leo, vùng ruộng dược liệu của ông Nguyễn Thế Dũng nằm gần bên trục đường chính dẫn vào thôn Nông Trang cũ, nay là thôn 2/9. Đến độ thu hoạch, cây cà gai leo đã cao hơn nửa thân người, cành cây leo cao quấn vào nhau, chi chít gai nhọn.

Theo ông Dũng, trước đây ở thôn 2/9 mía là cây trồng chủ lực. Thôn có hơn 130 hộ, hầu như hộ nào cũng trồng mía. Song so với cây mía, cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. 

Mỗi hecta cà gai leo có vốn đầu tư ban đầu khoảng 2 triệu đồng tiền phân bón, 600.000 đồng tiền vật liệu bao ni lông phủ chống cỏ và giữ ẩm, khoảng 1 triệu đồng tiền giống cho năm đầu tiên và lưu gốc 3-5 năm không cần đầu tư giống. Sau 6-8 tháng chăm sóc sẽ cho sản lượng khoảng 3-4 tấn cây tươi.

Với giá thu mua hiện nay khoảng 4.500 đồng/kg, người dân thu về 12-15 triệu đồng/ha/vụ. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ, thu về trung bình 25-30 triệu đồng/ha. Ở thôn 2/9, hộ trồng ít cũng khoảng 2 sào, hộ trồng nhiều từ 4-7 sào như gia đình ông Dũng. Nhờ trồng loại cây này, nhiều người dân Châu Khê đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả.

Hiện Con Cuông đang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến năm 2025, huyện sẽ chuyển đổi 59,7 ha lúa nước sang cây trồng khác; chuyển đổi 241,5 ha trồng màu kém hiệu quả sang cây dược liệu, cây công nghiệp, cây ăn quả và cây trồng khác. Cùng với đó, huyện tập trung áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất xanh, bền vững; nỗ lực xây dựng từ 3-5 mô hình nông nghiệp sinh thái, gắn với sản phẩm du lịch và sản phẩm đặc trưng của huyện.

Bù đắp chiều thiếu hụt cho người dân bằng mô hình sinh kế chuyển đổi cây trồng, huyện Con Cuông cũng hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo giúp họ an tâm sinh sống, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Mới đây, ông Hà Minh Chuyên (79 tuổi, ở bản Lục Sơn, xã Lục Dạ) thuộc hộ nghèo neo đơn đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ xây dựng một ngôi nhà cấp 4, lợp bằng tôn được xây dựng với diện tích 45m2. Sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể và chính quyền địa phương huyện Con Cuông đã khiến ông Chuyên đã rất xúc động. 

Đầu tháng 8/2024, trường hợp của gia đình anh Hà Văn Linh, bản Thanh Đào, xã Bồng Khê, cũng đã được chính quyền địa phương kết hợp cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở. Anh Linh thuộc diện hộ nghèo nhiều năm. Vợ anh bị khuyết tật bẩm sinh đang nuôi hai con nhỏ ở trong ngôi nhà đã xuống cấp. Bản thân anh không có việc làm ổn định nên gia đình anh không có khả năng cải tạo nhà ở. 

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh, huyện Con Cuông vận động, kêu gọi các nguồn để hỗ trợ các hộ xây dựng, cải tạo nhà ở. Từ các nguồn hỗ trợ, gia đình anh Linh xây dựng được căn nhà cấp 4 rộng 60m2, tổng kinh phí hơn 68 triệu đồng.

Những việc làm thiết thực, ý nghĩa trên thể hiện sự quan tâm của chính quyền huyện Con Cuông trong việc chăm lo, giúp đỡ cho hộ nghèo có nhà ở ổn định, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, đa chiều.