Ông Chẳng tâm niệm đó là những đứa con tinh thần ngày nào ông cũng muốn ngắm nhìn. Khi có người hỏi về những “báu vật” trong nhà, ông đọc vanh vách, giải thích “tiểu sử” từng món đồ.
Ông Chẳng có cả trăm món đồ cổ như: men sứ, đèn, đồng tiền, hộp thuốc rê, giường ngủ, bàn, tủ được cẩn xà cừ tinh tế, bắt mắt. Trong nhà ông, gian chính giữa đặt bàn thờ tổ tiên bày trang trọng và nền nã theo lối kiến trúc xưa.
Ông Chẳng bén duyên với đồ cổ từ năm 31 tuổi. "Hồi đó, gia đình tôi đã có nhiều vật dụng xưa. Nhưng theo dòng thời gian, nhiều thứ hư hỏng, tôi tiếc lắm nên mày mò dán, khôi phục rồi đâm ra nghiền lúc nào không hay”, ông kể. "Mỗi món đồ trong gia đình tôi đều có câu chuyện của quá khứ, có những thứ dù chẳng nguyên vẹn nhưng tôi rất quý và xem chúng vẫn đẹp, vẫn là báu vật trong lòng tôi”.
Ông Chẳng là con trai út trong gia đình làm nông ở xứ bưởi năm roi Mỹ Hòa. Ông kể, hồi còn trẻ, cuộc sống nhà nông làm lụng chẳng lúc nào ngơi tay, nhất là khi gia đình có máy tuốt lúa. Ngày nào ông cũng đi tuốt lúa thuê cho mọi người, dù vậy ông Chẳng vẫn dành thời gian sưu tầm đồ cổ. Nghe ở đâu giới thiệu bán đồ cổ, dù đường sá xa xôi cỡ nào, ông cũng lặn lội đi mua.
“Đi tuốt lúa ở đâu tôi cũng ngó nghiêng xem nhà ai có đồ cổ không, nếu thấy có tôi nói 'đây là đồ cổ nhe, anh chị bảo quản cho kỹ, còn nếu không xài thì bán tôi mua'. Hồi đó mua đồ cổ dễ lắm”, ông Chẳng cười và nói ông mê đồ cổ do đây là “đồ vật ông bà xưa dùng, có giá trị mãi mãi”.
Ông dẫn chứng những chiếc bàn ghế trong nhà mình do ông nội để lại đến nay đã 100 năm nhưng vẫn bền chắc do được làm từ gỗ quý như: gỗ bên, gỗ cẩm…
Ông kể tiếp: “Hơn 20 năm trước, tôi nghe người ta kêu bán chiếc long sàng từng là sở hữu của gia đình ông Hương Cả ở Bến Tre. Chiếc long sàng này có kiểu dáng giống với 2 chiếc giường 'trái cực' của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Tôi đi xe đến nơi xem thì mê chiếc giường này. Sau một thời gian 'kì kèo', họ đồng ý bán chiếc giường cho tôi với giá 200 triệu đồng. Để có tiền mua được chiếc giường, hồi đó tôi phải bán mấy nghìn giạ lúa”.
Long sàng mà ông đang sở hữu cao khoảng 2,5m, rộng gần 2m, màu nâu đen, toát lên vẻ sang trọng. Toàn bộ giường được làm bằng gỗ quý, khảm xà cừ với nhiều hoa văn tinh xảo.
Ông Chẳng “chỉ mua chứ không bán” vì mỗi hiện vật ông đều quý và là nơi ông lưu giữ một phần tâm hồn mình. “Có người đến ngỏ ý mua lại chiếc giường với giá cao gấp 3 lần so với lúc mua. Nhưng tôi nhất quyết không bán, vì mục đích sưu tầm đồ cổ của tôi là tìm hiểu về giá trị, văn hóa, con người qua các giai đoạn lịch sử”, ông nói.
Theo ông Chẳng, chơi đồ cổ đòi hỏi đam mê, bởi "nó là thứ bỏ đi của người này, nhưng lại là tài sản vô giá của người kia".
“Chơi đồ cổ tốn tiền dữ lắm. Hồi năm 2000, ở TP Cần Thơ có người kêu bán tấm hoành gỗ dài 1,2m, rộng 0,8m với giá 20 triệu đồng. Để có tiền mua vật cổ, tôi phải thuê người chiết 1.000 nhánh bưởi giống để bán cho mọi người”, ông nói.
Chưa có điều kiện lập bảo tàng tư nhân, ông Chẳng luôn mở cửa tiếp những ai muốn tới tham quan, nghiên cứu.
Gần đây, một khu nghỉ dưỡng lớn ở TP Cần Thơ thường xuyên dắt khách ngoại quốc đi tham quan miệt vườn Mỹ Hòa và ghé nhà ông Chẳng để thăm cổ vật và thưởng thức đặc sản bưởi năm roi.
“Khách ngoại quốc thích nhà tôi lắm. Họ được ngắm đồ cổ và còn tự tay hái cam, bưởi”, ông Chẳng nói.
Ông Chẳng được Chủ tịch UBND thị xã Bình Minh tặng giấy khen “đã thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới” và được Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa biểu dương “có thành tích tốt trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới năm 2022”.