Nằm ẩn mình giữa vườn cây ăn trái ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), căn nhà cổ của dòng họ Trần được xây dựng từ năm 1838. Người dân địa phương hay gọi là nhà cổ ông Kiệt.
Ngôi nhà 5 gian, rộng gần 1.000m2 với 108 cây cột làm bằng gỗ căm xe quý hiếm. Trải qua gần 200 năm nhưng ngôi nhà cổ này vẫn còn nguyên vẹn. Trên các kèo, ô cửa, bao lan… bằng gỗ mọi người có thể nhìn thấy có nhiều hình chạm khắc “tùng, cúc, trúc, mai” rất tinh tế.
Trong nhà vẫn còn giữ được nhiều bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ bàn ghế chạm trổ rất công phu và nhiều vật dụng bằng sứ quý hiếm, đen bóng qua thời gian.
Bà Lê Thị Chính (58 tuổi) cho biết, bà là cháu dâu út đời thứ tư của dòng họ Trần - dòng họ sở hữu căn nhà cổ được mệnh danh “cửu đại mỹ gia” (9 ngôi nhà đẹp) của Việt Nam.
Thời xưa, ông cố của chồng bà làm quan triều Nguyễn. “Ông cố chồng tôi đã thuê thợ giỏi từ ngoài Huế vào dựng căn nhà này. Quá trình làm căn nhà mất cả chục năm. Căn nhà được làm theo kiểu nhà rường Nam bộ; gỗ được dùng để xây nhà đều là gỗ quý có tuổi đời lâu năm.
Đặc biệt, toàn bộ ngôi nhà này được lắp ráp, kết dính với nhau bằng hệ thống mộng gỗ, hoàn toàn không sử dụng một cây đinh sắt nào cả nhưng vẫn rất vững chắc. Điều này đã chứng minh rằng, tay nghề của các nghệ nhân lúc bấy giờ đã đạt đến một trình độ kỹ thuật rất cao”, bà Chính nói.
“Điểm đặc biệt nữa là căn nhà có hàng song cửa - đây là điểm đặc trưng của nhà Nam bộ xưa. Hàng song này vừa là vách, vừa là cửa. Hàng song có thể lấy được ánh nắng, khí trời từ bên ngoài vào, cũng như điều hòa nhiệt độ bên trong căn nhà”, bà Chính chia sẻ.
Theo bà Chính, ông cố của chồng bà đã bỏ ra nhiều công sức, tiền của để sưu tầm được rất nhiều đồ cổ quý hiếm trưng bày trong nhà.
"Tất cả những đồ vật trong căn nhà như: đèn, tách… đều được ông cố chồng của tôi để lại”, bà Chính nói.
Năm 2002, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sang khảo sát và xác định ngôi nhà cổ này là một trong những căn nhà đẹp nhất Việt Nam, nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng nên họ quyết định tài trợ hơn 1,8 tỷ đồng trùng tu.
Theo bà Chính, tổ chức JICA cử một nữ kiến trúc sư người Nhật đến ăn ở tại chỗ để giám sát công việc trong hơn 6 tháng liền. Nhờ đó, các chuyên gia Nhật Bản đã phục chế được toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà và vật dụng trang trí bên trong nhà theo đúng nguyên bản như xưa.
Bà Chính cho biết thêm, ngôi nhà cổ này được UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận di sản văn hóa vào năm 2004.
“Chúng tôi rất vinh dự khi được tổ chức của Nhật tài trợ kinh phí để trùng tu. Việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của ngôi nhà được các thành viên trong gia đình, dòng họ chúng tôi rất chú trọng”, bà Chính chia sẻ.
Thiện Chí