Biển chỉ có tương lai khi ngư dân còn ở làng chài, còn bám biển, để biển không cô đơn.

Lãnh đạo tắm biển, ăn cá và mệnh lệnh cuộc sống
"Dân cứ yên tâm ăn cá" và sự im lặng của cán bộ

“Con thích thành phố ở ngoài biển vì nó nghịch hơn”.

Con trai tôi nói thế khi ngồi sau xe máy, chỉ tay về phía biển. “Vì các cột đèn nó biết đi”.

Quê tôi là một làng nhỏ ở đầu cùng của thành phố Đồng Hới. Ban đêm, từ làng nhìn ra, là hai thành phố: thành phố Đồng Hới và thành phố ánh sáng ngoài biển. “Thành phố nghịch” ở ngoài biển là đội tàu đánh bắt cá của các làng Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh và các làng bạn thắp đèn điện sáng trưng để đánh cá và câu mực.

Tháng 4, tháng 5 là bắt đầu mùa cá và mùa tắm biển. Biển và cá tôm là sản vật của quê tôi, được sinh ra từ tình yêu của con người nơi đây với thiên nhiên khắc nghiệt.

Năm nay, rừng đã gần hết và biển thì…

Việc chặt phá rừng dương liễu, hàng rào chắn gió, chắn cát từ 15 năm nay không có tiếng nói của người dân tôi, những người đã cùng mệ Nghèng gánh từng gánh nước tưới cây trên cát.  

{keywords}

Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần đến thăm vườn ươm cây giống của Anh hùng lao động Phạm Thị Nghèng. Ảnh tư liệu/ Dân Việt

Ngư dân nghèo

Những ngư dân đi thuyền nhỏ đánh cá gần bờ, thuật ngữ ngày nay hay gọi họ với cái tên: “Ngư dân nghèo”. Họ chiếm tỉ trọng đến 80% lực lượng ngư dân.

Dải đất nhỏ hẹp miền Trung gió Lào, cát trắng nhận về biết bao nhiêu thiệt thòi cho mình với bão lụt, hạn hán quanh năm. Tuy nhiên, sau bão lụt là tôm cá lại tràn về theo từng con nước.

Nhưng cá chết hàng loạt, không rõ nguyên nhân là trải nghiệm chưa từng bao giờ xảy ra. Những kinh nghiệm bản quán của người dân đã không đủ sức chống chịu. Họ quặn lòng đổ đi từng rổ cá đánh bắt xa bờ nhưng không ai tin, ai mua.  

Không được tắm biển, bọn trẻ chơi trượt cát. Một bé trai lớp 3 trong làng nói với nhóm bạn:

- Cố  học xong lớp 5 là tao nghỉ học.

- Tôi hỏi: Sao lại nghỉ con?

- Con đi tàu. Nhà chỉ có hai mẹ con thôi.

- Thì làm sao? Cô vẫn chưa rõ lắm.

Cú sốc cá chết hàng loạt đã làm sắc nét thêm ước mơ của một đứa bé 8 tuổi - được đi tàu (chứ không phải thuyền) ra biển lớn. Ngư nghiệp là lĩnh vực đề cao vai trò của người đàn ông. Đầu óc non nớt của đứa bé lên 8 đã phải suy nghĩ đến vai trò trụ cột kiếm sống cho gia đình. Tỉ lệ bỏ học từ cấp 2 của nam sinh vùng biển thường cao hơn các vùng khác.

“Ngư dân nghèo” luôn chịu thiệt thòi nhất

Chính sách hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ chỉ phù hợp cho số ít những hộ gia đình có tiềm lực tài chính để vay vốn đóng tàu công suất lớn và trang bị công nghệ đánh bắt hiện đại. Đội tàu đánh bắt xa bờ, để thu lại nhanh khoản đầu tư, đã đánh bắt quá mức và cố tình đánh cá trong vùng biển gần bờ, nơi dành cho “ngư dân nghèo”.

Những năm gần đây, bị tàu lạ tấn công, đội tàu đánh bắt xa bờ càng co cụm lại ở vùng biển gần bờ. “Ngư dân nghèo” phải dành nhiều giờ hơn để đánh cá và không thể bắt cá được quanh năm, có rất ít hoặc không có cá để bắt.

Các rặng san hô, nơi nuôi dưỡng các loài cá tôm, đang dần dần bị biến mất bởi biến đổi khí hậu làm nước biển nóng lên, ô nhiễm, axit hóa trong nước và đánh bắt quá mức.

Biển chỉ có tương lai khi ngư dân còn ở làng chài, còn bám biển, để biển không cô đơn.

Chủ quyền biển đảo còn khi đồng bào còn đánh bắt cá ở đó.

{keywords}

‘Cố hết lớp 5 tớ sẽ nghỉ học, đi tàu’. Giờ nghỉ giải lao, tâm sự rồi tiếp tục trượt cát. Gốc cây dương liễu đã khô cong, lăn lóc ở trên đầu các em.

Nhìn về tương lai

Từ năm 2014, Philippines thực hiện chính sách “đóng cửa đại dương” (ocean closing season), kéo dài trong 3 tháng, vào thời điểm cá đẻ trứng, nhằm khôi phục lại các nguồn tài nguyên biển. Cộng thêm 3 tháng mùa biển động nữa là ngư dân mất đến cả nửa năm không có cá tươi.

Chính phủ hỗ trợ ngư dân bằng các chương trình “đổi công” như dọn dẹp bờ biển. Được đi làm cùng nhau là cơ hội để ngư dân gắn kết tình làng nghĩa xóm. Người dân tự điều chỉnh và chuyển đổi sinh kế gia đình cho phù hợp.

Đây cũng là cơ hội cho các mẹ, các chị tiếp cận các mô hình sinh kế mà không cần thiết phải là “cá tươi” để có tiếng nói và chủ động hơn cho gia đình như làm mắm, cá hun khói. Do đó, người dân cần phải được hỗ trợ về công nghệ bảo quản, chế biến, trang thiết bị như nhà máy sản xuất đá mini, các nghiên cứu khả thi về chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Hơn ai hết, ngư dân nghèo Philipinnes biết rằng sau mỗi mùa “đóng cửa biển”, họ sẽ lại có cá tôm đầy thuyền.

Cảm ơn những gốc phi lao, cảm ơn cá tôm đã nằm phơi bụng giữa chang chang cồn cát Quảng Bình. Cảm ơn những giọt nước mắt, những tiếng nức nở của các mẹ các chị. Để chúng ta biết lắng biển cả. Để biết được môi trường sống của chúng ta đang bị đe dọa như thế nào. Ai đã và đang nghĩ và làm gì?

Chỉ mong manh hi vọng rằng, vụ cá chết ở miền Trung vừa rồi là do cái cá chết vì bị trầm cảm sau sinh và cá đực chết theo cho có đôi có bạn. Số trứng cá đó, sẽ là hậu duệ biển bạc, sẽ sớm trở lại cho ngư dân…

Nguyễn Thị Thu Đông

>> XEM THÊM: