Theo các bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cơ sở y tế chuyên điều trị sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng, ngứa nổi mẩn đỏ khắp người như muỗi đốt là tình trạng da xuất hiện những cục có màu đỏ hoặc hồng, lúc sờ vào sẽ thấy cộm lên và cứng hơn so với vùng da quanh đó. Đối tượng thường gặp nhất là trẻ em, phụ nữ có thai và sau sinh…

Tay, chân, lưng và mặt là bộ phận thường xuất hiện tình trạng này. Một số trường hợp có thể lan toàn thân, khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu.

Nguyên nhân thường gặp

Nổi mề đay: Đây là một trong những nguyên do bệnh ngoài da thường gặp nhất. Ước tính, mỗi người có thể bị mề đay ít nhất một lần trong đời. Nổi mề đay xảy ra do các mao mạch dưới da bị kích ứng bởi những tác nhân dị ứng và gây nên các nốt mẩn ngứa, nổi cục hoặc mẩn ngứa thành từng mảng. Dù không gây nguy hiểm tới sức khỏe, nó có thể tác động tới chất lượng cuộc sống khi người bệnh luôn phải đối mặt với ngứa ngáy suốt ngày.

Dị ứng thời tiết: Tình trạng thường gặp ở những người với cơ địa dị ứng và thường xảy ra khi thời tiết thay đổi. Triệu chứng kéo dài vài giờ hoặc vài ngày và tự biến mất. Trạng thái này có thể tái phát nhiều lần do phụ thuộc vào thời tiết.

Dị ứng thuốc: Tình trạng xảy ra khi hệ miễn nhiễm của cơ thể phản ứng quá mức với một số thành phần có trong thuốc. Ở mức độ nhẹ, tín hiệu thường gặp là nổi mẩn đỏ trên da, tương đối ngứa và tự khỏi sau vài ngày hoặc sau khi ngừng thuốc. Trường hợp nặng, nốt mẩn đỏ xuất hiện toàn thân kèm theo khó thở, toàn thân tím tái…

Lupus ban đỏ: Bệnh xảy ra lúc hệ miễn dịch tấn công những tế bào khỏe mạnh trên da và gây viêm. Người bệnh lupus thường bị nổi mẩn đỏ trên mặt, ngứa ngáy. Bệnh nặng có thể gây biến chứng nghiêm trọng như suy tim, suy thận…

Lupus ban đỏ, bệnh ở gan, nhiễm giun sán... có thể gây tình trạng ngứa nổi mẩn đỏ khắp người. Ảnh: PV

Bệnh ghẻ: Nhiễm ký sinh trùng ghẻ khiến bệnh nhân ngứa nhiều nhất lúc đi ngủ. Đó là do ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang.

Dị ứng thức ăn: Xảy ra lúc hệ miễn nhiễm trong cơ thể phản ứng quá mức với một hoặc nhiều loại protein trong thức ăn. Triệu chứng phổ biến, điển hình như đau bụng, tiêu chảy, nổi mẩn đỏ như muỗi cắn, nặng hơn là khó thở… 

Các bệnh lý tiềm tàng có thể gây ngứa nổi mẩn đỏ như muỗi đốt 

Bệnh ở gan: Gan có vai trò đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Vì vậy, khi gan hoạt động kém, độc tố có thể tàng trữ trong cơ thể ra gây triệu chứng trên da. Người bệnh có thể bị nổi mẩn đỏ như muỗi cắn ở vùng lưng, ngực hoặc toàn thân.

Nhiễm giun sán: Ngoài mẩn đỏ trên da, người bệnh còn ngứa ngáy liên tục. Có thể do lúc ấu trùng sán sau khi vào cơ thể sẽ chui qua thành ruột rồi đi vào trục đường máu, kích thích hệ miễn gia tăng IgE và gây ra dị ứng.

Bệnh tuyến giáp: Rối loạn hoạt động của tuyến giáp có thể tác động đến trao đổi chất và gây ra nhiều triệu chứng. Người bệnh suy giáp ngoài mệt mỏi, táo bón, tăng cân còn bị nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt trên da. Nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt cũng có thể xảy ra do sốt xuất huyết, tiểu đường, thậm chí HIV…

Yếu tố nguy cơ 

- Thay đổi thời tiết khi giao mùa

- Vệ sinh da không đúng cách, lười tắm rửa

- Ăn quá nhiều thực phẩm cay nồng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, dùng rượu bia thường xuyên…

- Thay đổi hormone ở phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh

- Cha mẹ bị dị ứng hoặc mẩn ngứa

- Làm việc trong môi trường phải tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất tẩy rửa…

Khi nào cần đi khám? 

- Ngứa ngáy tác động đến giấc ngủ

- Mẩn đỏ và ngứa lan rộng ra toàn thân

- Da có dấu hiệu nhiễm trùng như xuất hiện mủ, vùng da mắc bệnh bị sưng đỏ

- Mẩn đỏ đi kèm những triệu chứng sốt đau bụng, đi tả, khó thở…