- Nhiều cổ phiếu đã bất ngờ tăng vọt ngay khi được đưa lên giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) bất chấp tình hình kinh doanh tốt hay xấu. Đã có hàng ngàn tỷ của các nhà đầu tư ngược dòng thị trường đổ vào các cổ phiếu này. Dường như, giá trị cổ phiếu không chỉ nằm ở những con số trên sổ sách mà DN công bố.
DN lỗ, cổ phiếu vẫn tăng giá
Ngày 25/4, cổ phiếu SGP của CTCP Cảng Sài Gòn đã gây bất ngờ trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCOM.
Cho dù phải hồi tố khoản lỗ hơn 1 ngàn tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu giảm gần một nửa và giá trị sổ sách chỉ còn 5.400 đồng/cp, nhưng SGP vẫn tăng gần 40% trong phiên giao dịch ra mắt công chúng trên UPCOM.
Trong 2 phiên sau đó, SGP tiếp tục tăng mỗi phiên gần 15% và đạt mức giá 18.700 đồng/cp, gấp hơn 3 lần so với giá trị sổ sách và cao hơn nhiều so với mức giá trúng bình quân 11.500 đồng/cp trong đợt IPO hồi giữa 2015.
Nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh dù hoạt động kinh doanh không có gì đột biến. |
ĐHCĐ của Cảng Sài Gòn diễn ra cùng ngày DN lên sàn nhưng những thông tin và dự báo đầy khó khăn tại đại hội không thể ngăn cản được dòng tiền đổ vào cổ phiếu này. Kế hoạch di dời Nhà Rồng - Khánh Hội (hoàn tất vào 31/12/2016) chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động của 5 đơn vị trực thuộc cảng này. Dường như những thông tin về kế hoạch xây siêu đô thị tại khu vực cảng Nhà Rồng Khánh Hội mới là điều các NĐT quan tâm.
Hàng chục triệu cổ phiếu TDM của CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water) cũng đã tăng chóng mặt trong một thời gian ngắn kể từ khi lên sàn. Từ mức giá 10.000 đồng/cp trong phiên giao dịch đầu tiên 1/4, cổ phiếu này đã tăng vọt lên 39.800 đồng hôm 22/4.
Cổ phiếu TDM tăng giá mạnh nhất sau khi cổ đông sáng lập có tỷ lệ sở hữu lớn nhất (26% vốn điều lệ) - Công ty TNHH MTV Cấp Thoát nước Bình Dương - đăng ký bán ra toàn bộ 7,8 triệu cổ phiếu đang sở hữu. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ 7/4 đến 15/4/2016.
Không ít các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCOM thời gian gần đây trở thành thỏi nam châm hút dòng tiền, trái ngược hoàn toàn với tình trạng trầm lặng thậm chí ế ẩm trong các phiên IPO trước đó.
Cổ phiếu VGG của May Việt Tiến hay VEF của Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam là những cái tên như vậy. VGG tăng vọt từ mức tham chiếu 40 ngàn đồng hôm chào sàn 10/3 lên 75 ngàn đồng/cp chỉ vài ngày sau đó, bất chấp dự báo DN may lớn nhất VN có thể giảm 20% lợi nhuận trong 2016.
Cổ phiếu VEF của Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam tăng ở mức dữ dội hơn. Sau khi bị ế ẩm, “hắt hủi” khi CPH, cổ phiếu này đã tăng một mạch từ 10.100 đồng/cp lên gần 90.000 đồng/cp chỉ trong vài tháng.
Yếu tố quyết định
Vậy điều gì khiến các cổ phiếu đã thay đổi một cách nhanh chóng? DN làm ăn kinh doanh có lãi hay dòng vốn của các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược giúp DN có triển vọng sáng sủa hơn. Hay chỉ thuần túy là sự thay đổi tâm lý của các NĐT trên TTCK.
|
Đất vàng là tài sản quan trọng của DN |
Trong nhiều năm qua, tâm lý bầy đàn là một hiện tượng xảy ra khá phổ biến trên TTCK Việt Nam. Mỗi khi một cổ phiếu tăng giá, hàng loạt các NĐT sẽ lao vào theo “sóng”. Đây cũng là điều thường thấy và dễ hiểu bởi đó thường là cơ hội kiếm lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các DN như trên không có thay đổi gì ghê gớm trong một khoảng thời gian ngắn, vài tháng, từ lúc IPO cho tới lúc lên sàn như một số DN trên UPCOM trong thời gian vừa qua.
Với nhiều NĐT, không phải họ không biết giá trị của DN, mà điều họ quan tâm là đầu tư vào liệu có thu được lợi nhuận hay không.
Trong trường hợp Nước Thủ Dầu Một, qua báo cáo tài chính, giới đầu tư đều biết đây là một DN hoạt động tốt. Kinh doanh nước cũng là một ngành có triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, “sóng” chỉ thực sự nổi lên khi cổ đông lớn nhất, cổ đông nhà nước thoái vốn.
Với Cảng Sài Gòn, tình hình kinh doanh được dự báo khá u ám, cổ phiếu không được giới đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, đó là khi IPO và trước ĐHCĐ lần 1. SGP trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết sau khi thông tin về siêu đô thị tại khu vực cảng Nhà Rồng Khánh Hội được tiết lộ.
Còn trong trường hợp Triển lãm Giảng Võ - VEFAC, đơn vị này sở hữu gần 7 hecta tại ngay trung tâm thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trong phiên IPO, giá đấu thành công bình quân 10.058 đồng/cp có lẽ là điều không bất ngờ bởi tỷ lệ đưa ra bán đấu giá là 9,8%, nước nước sở hữu 10% còn 80% bán cho NĐT chiến lược.
Kế hoạch NĐT chiến lược di dời triển lãm về Nhật Tân Nội Bài và khu đất Giảng Võ để xây Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa cùng với việc cổ phiếu VEF được giao dịch trên UPCOM, giúp thanh khoản tăng lên, là điểm hấp dẫn các NĐT.
M. Hà