“Người bệnh ở nước ta còn nghèo, chúng ta phải làm sao cho họ được hưởng lợi ích cao nhất”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ khi nói về hai loại thuốc phóng xạ đặc hiệu mới, niềm tự hào của ông và đồng nghiệp những ngày qua.

Đó là thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate dùng để chụp PET/CT cho bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến và u thần kinh nội tiết. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam điều chế và sử dụng thuốc này. 

Tiến sĩ Cảnh cho biết trước đây, nhiều trường hợp ung thư tiền liệt tuyến có chỉ định chụp PET/CT để đánh giá tình trạng, giai đoạn bệnh, mức độ tổn thương. Khi đó, thuốc Ga-68 PSMA đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thông qua, trong khu vực có Singapore đã áp dụng.

Bệnh viện Chợ Rẫy ngay lập tức tính toán phương án, kế hoạch điều chế thuốc mới cho người bệnh.

bv-cho-ray-thuoc-ph243ng-xa-1.jpg
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: GL.

“Thuốc phóng xạ vẫn dùng trước đây cho PET/CT không hiệu quả cao với ung thư tiền liệt tuyến và u thần kinh nội tiết do con đường sinh học riêng của bệnh. Chúng tôi biết thế giới đã có thuốc mới và trao đổi với người bệnh các thông tin khoa học này.

Khi đó, những gia đình bệnh nhân có điều kiện hoặc có người thân ở nước ngoài đã tìm cách liên hệ đi Singapore chụp với loại thuốc phóng xạ đặc hiệu. Tất cả chi phí đi lại, chụp chiếu, ăn ở tiêu tốn của người bệnh khoảng hơn 100 triệu đồng. Thực sự, rất tốn kém trong khi phần lớn người bệnh còn nghèo”, Tiến sĩ Cảnh tâm sự.

Đến năm 2021, đơn vị bắt đầu mua sắm máy móc cần thiết như hệ tổng hợp thuốc gắn kết với đồng vị phóng xạ rồi tiến hành thử nghiệm điều chế.

Các kỹ sư vật lý hạt nhân, dược sĩ phóng xạ, kỹ sư hoá phóng xạ giàu kinh nghiệm tại Khoa Y học hạt nhân đã thầm lặng trong thời gian dài để điều chế và cho ra những mẻ thuốc đầu tiên.

Sau 3 năm tập trung cao độ, tháng 11 vừa qua, 2 loại thuốc phóng xạ đặc hiệu chính thức được sử dụng chụp PET/CT cho bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến và u thần kinh nội tiết tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 

“Nhân sự có kinh nghiệm, quy trình điều chế chuẩn ở thế giới đã có, chúng ta thuận lợi khi áp dụng để mang đến lợi ích cho người bệnh", Tiến sĩ Cảnh nói. 

Hai loại thuốc phóng xạ mới có thời gian bán rã rất ngắn, chỉ 68 phút. Do đó, khi nào bệnh nhân có chỉ định, thuốc mới được sản xuất.

Tại Khoa Y học hạt nhân, công đoạn điều chế thuốc diễn ra trong khoảng 30 phút, là một chuỗi phản ứng hóa học gồm 3 giai đoạn, 28 bước. Thuốc được điều chế ra tiếp tục được kiểm tra lại nhằm đảm bảo chất lượng trước khi sử dụng. 

Kết quả cho thấy, tế bào ung thư tuyến tiền liệt của người bệnh sẽ được phát hiện nhanh nhạy hơn, những tổn thương nguyên phát và di căn của u thần kinh nội tiết cũng được phát hiện rõ hơn. Bác sĩ lâm sàng tự tin hơn khi có phương tiện hiệu quả giúp chẩn đoán, phân chia giai đoạn, chọn lựa phương pháp điều trị và theo dõi kết quả. 

"Chi phí để người bệnh chụp PET/CT với thuốc mới chỉ bằng khoảng 1/4 so với việc ra nước ngoài thực hiện. Người bệnh cũng yên tâm ở lại Việt Nam tiếp tục điều trị, đỡ tốn kém hơn rất nhiều”, Tiến sĩ Cảnh nói.

Một trong những công đoạn pha chế thuốc phóng xạ mới. Ảnh: BVCC

Hiện mỗi ngày, chỉ khoảng 2-3 liều thuốc phóng xạ đặc hiệu được sản xuất ra. Nếu nhu cầu của bệnh nhân tăng cao, Khoa Y học hạt nhân có thể tăng công suất lên khoảng 5 liều/ngày, thậm chí có thể chia sẻ với Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Quân y 175 - những nơi có hệ thống máy PET/CT.

Đến nay, 27 người bệnh đã được chụp PET/CT với hai loại thuốc phóng xạ mới này, chưa ghi nhận tác dụng phụ. 

Tiến sĩ Cảnh cho biết việc chia sẻ thuốc phóng xạ có quy trình rất chặt chẽ và an toàn. Với hai loại thuốc mới này, do thời gian bán rã ngắn nên thời gian vận chuyển phải dưới 30 phút. Thuốc có tính bức xạ nên cần đặt trong thùng chuyên dụng với lớp vỏ chì rất dày, nặng đến 20kg. Xe vận chuyển có giấy phép của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.