- Xảy ra đánh nhau, người phụ nữ nhờ người cầu cứu công an. Vì một phút nóng lòng, kết thúc sự việc chính bà là người vướng vòng lao lý.
Ngồi trước vành móng ngựa tại phiên phúc thẩm hôm nay tại TAND TP.HCM là một người phụ nữ tật nguyền, chân đi tập tễnh. Bị cáo tên Nguyễn Thị Chưa (SN 1960, quê Thừa Thiên - Huế), bị xét xử về tội “chống người thi hành công vụ”.
Đâm bút bi và cắn tay cảnh sát
Tại tòa, bị cáo Chưa khai cuộc sống khó khăn, năm 2009, bị cáo từ Huế vào TP.HCM cùng người quen mở quán cơm sinh viên gần Đại học Công nghiệp TP.HCM.
Bị cáo Chưa trong giờ nghị án |
Khoảng 19h30 ngày 29/12/2014, do bị bà Lê Thị Kim Ngưu xông vào nhà đánh nổi u ở đầu nên bà Chưa bảo một nhân viên trong quán gọi điện thoại đến công an phường cầu cứu. Nhận được tin, trưởng công an phường phân công 3 cán bộ là Nguyễn Văn Tính, Phạm Trần Nhật Nam và Đinh Hoàng Việt mặc sắc phục đến hiện trường giải quyết.
Anh Nam và anh Tính đi xe máy đến trước, anh Việt đến sau. Tại nhà bà Chưa, anh Nam lập biên bản ghi nhận vụ việc đánh nhau gây mất trật tự. Cho rằng tờ biên bản anh Nam lập không đúng với nội dung vụ việc, bà Chưa không chịu ký tên và đề nghị được mượn tờ biên bản mang đi photocopy nhưng anh Nam không đồng ý. Thấy vậy, bà giật biên bản từ tay anh Nam tiến về phía quán photo.
Vừa tới quán, bà bị một người kéo vai, bẻ tay ra phía sau nên bà đã dùng bút bi đâm và cắn vào tay người này. Tờ biên bản trên tay bà vò và đưa cho người cháu gái.
Với hành vi trên, bà đã bị tổ công tác của công an phường lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, sau đó bị khởi tố, truy tố. Giữa tháng 7 vừa qua, TAND quận Gò Vấp đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bà mức án 1 năm cải tạo không giam giữ về tội “chống người thi hành công vụ”.
“Bị cáo nghĩ sự việc rất đơn giản. Bị cáo thấy mình là người bị hại, bị người ta đánh nên mới cầu cứu công an nhờ giải quyết vụ việc. Bị cáo là người gọi công an đến chẳng lẽ lại muốn chống lại công an?”, bị cáo Chưa trình bày và xin HĐXX xem xét, tuyên mình không phạm tội.
Những lấn cấn...
Trái với lời bị cáo, anh Việt khẳng định tại tòa mình không bẻ tay bị cáo, cũng không có hành động nào vượt quá giới hạn quy định. Anh Việt cũng khai sau khi sự việc xảy ra anh còn nghe bà Chưa nói rằng “tao cắn mày vì mày đã lập biên bản xe cơm của tao (?)!”.
Đối với vết cắn do bị cáo gây ra, anh Việt cho biết vết thương rớm máu nhưng sau đó đã lành. Bệnh viện xác định thương tích vết cắn là dấu 4 chiếc răng cửa, bầm tím giữa cẳng cánh tay phải. Anh từ chối giám định thương tật, không yêu cầu bồi thường.
Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên giữ nguyên bản án.
Bào chữa miễn phí cho bị cáo, hai vị luật sư cho rằng hành vi của bà Chưa không phạm tội chống người thi hành công vụ. Theo luật sư, anh Việt là người đến sau, lúc này anh Nam đã lập xong biên bản vụ việc nên việc “thi hành công vụ” đã kết thúc, anh Việt không phải là người thi hành công vụ.
Ngoài ra, luật sư đặt vấn đề về hàng loạt lấn cấn trong vụ án. Chẳng hạn, vụ án có 7 nhân chứng, trong đó nhiều người không chứng kiến vụ việc vẫn được lấy lời khai. Đặc biệt, bà Ngưu là người đã cự cãi với bị cáo cũng được mời làm chứng. Việc cơ quan điều tra sử dụng lời khai của bà Ngưu liệu có đảm bảo tính khách quan? Bị cáo không nhận tội vậy tại sao khi xét xử cấp sơ thẩm không triệu tập bất cứ nhân chứng, người liên quan nào trong vụ án đến tòa để đối chất?
Quá trình hỏi cung, cách thức hỏi cung cũng không đảm bảo thể hiện khách quan vụ việc. Luật sư đề nghị tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không phạm tội.
Đại diện VKS lập tức bác bỏ toàn bộ các quan điểm của luật sư. Vụ án tưởng chừng như đơn giản nhưng giữa luật sư và VKS đã tranh luận nảy lửa suốt nhiều giờ.
Tòa nhận định việc xét xử không triệu tập bất cứ nhân chứng nào cũng như người liên quan là vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng. Ngoài ra, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã không thu hồi biên bản sự việc ghi nhận việc gây rối giữa bà Chưa và bà Ngưu, đây là chứng cứ quan trọng để xác định nguyên nhân xảy ra vụ án. Do vậy, HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Phiên tòa khép lại, vụ án chưa có hồi kết. Từng bước chân tập tễnh, mỏi mệt, đôi mắt rơm rớm nước, bị cáo Chưa bảo: “Tôi đã định cuối năm nay về quê, vậy mà giờ phải mang một bản án. Giá như hôm ấy tôi không cầu cứu thì đâu đến nỗi!”.
M.Phượng