Rất nhiều quy định mới về việc quản lý, sử dụng mạng xã hội (MXH) được mọi người đặc biệt quan tâm. Trong đó, quy định khóa tài khoản MXH như Facebook, TikTok, YouTube… vĩnh viễn là một chế tài đang khiến nhiều chủ kênh, chủ tài khoản lo lắng nhất.
Vi phạm Nghị định 147 trong một số trường hợp, người dùng mạng xã hội sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Ảnh: K.K
Sáng 27/12, tài khoản Facebook của bạn T.G (Phường 1, TP. Bạc Liêu) đăng dòng trạng thái với nội dung: Mọi người ơi có cách nào cứu được tài khoản của em với gần 10.000 người theo dõi mà sáng nay mở ra thì thấy thông báo “tài khoản đã bị cấm”. Đây là một trong rất nhiều trường hợp, tài khoản MXH sau ngày 25/12/2024 bị khóa vĩnh viễn vì vi phạm các quy định của Nghị định 147.
Theo thống kê đến năm 2024, Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng MXH, tương đương với 73,3% tổng dân số. Số lượng người dùng (từ 18 tuổi trở lên) các nền tảng MXH phổ biến tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể so với năm ngoái, trong đó, Facebook có 72,7 triệu người dùng, TikTok có 67,72 triệu người và YouTube là 63 triệu người.
Nghị định 147 quy định tại khoản 5 Điều 23, khoản 7 Điều 35, khi tài khoản MXH đăng nội dung xâm phạm an ninh quốc gia như xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc; xuyên tạc chính quyền nhân dân… và có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền thì sẽ khóa vĩnh viễn tài khoản MXH đó.
Ngoài ra, những tài khoản MXH bị tạm khóa từ 3 lần trở lên do thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật cũng sẽ bị khóa vĩnh viễn.
Chưa hết, ngoài việc bị khóa tài khoản, nếu đăng tải những nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật thì còn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MXH, trường hợp đã có yêu cầu từ cơ quan chức năng mà không xử lý nội dung, dịch vụ vi phạm pháp luật, không tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản vi phạm pháp luật theo yêu cầu, Bộ TT-TT sẽ đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ MXH hoặc thu hồi Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ MXH đã cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định 147.
Ngoài ra, người sử dụng MXH hiện nay khi đăng tải trên trang cá nhân cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan, chịu trách nhiệm cá nhân đối với hành vi đăng tải của mình.
Trong các quyền và nghĩa vụ của người dùng MXH, Nghị định 147 quy định, người dùng MXH chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên MXH, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng dịch vụ).
Trong vòng 24 giờ phải gỡ bỏ nội dung đăng tải một khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ TT-TT (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở TT-TT địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành hoặc chậm nhất là 48 giờ đối với khiếu nại có căn cứ từ người sử dụng dịch vụ.
Theo Kim Kim (Báo Bạc Liêu)