10 khu tập thể cũ (6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) nằm trong Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội (giai đoạn 2021-2030) dự kiến được hoàn thành phá dỡ trong quý III/2023 để cải tạo, xây dựng lại.

Nhà G6A khu tập thể Thành Công được đánh giá mức độ nguy hiểm cao nhất, có thể sập bất cứ lúc nào, phải phá dỡ để xây lại. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn bám trụ, chưa chuyển đến nơi ở mới. 

Các căn hộ tại đây bị cơi nới chằng chịt, "chuồng cọp" chất chồng lên nhau, việc đảm bảo PCCC luôn là mối lo ngại.

Đặc biệt, tại điểm tiếp giáp giữa hai tòa đơn nguyên 1 và đơn nguyên 2 tòa G6A đã xuất hiện vết tách rộng hơn 1m, nhiều móc sắt được sử dụng để chống đỡ, tất cả cho thấy không còn đảm bảo an toàn.

Khu tập thể này đã được dán cảnh báo, xác định mức độ nguy hiểm D, không còn khả năng sử dụng bình thường nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa chịu di dời về khu tạm cư. Theo ghi nhận của VietNamNet, vào thời điểm giữa tháng 2/2023, vẫn còn hàng chục hộ dân sinh sống tại khu tập thể chưa giải quyết được các thắc mắc về khu tạm cư và công tác cải tạo, sửa chữa. 

Tại khu tập thể Giảng Võ, đa số hộ dân ở đây đã di dời về nhà tạm cư bởi các dãy nhà tại đây đã xuống cấp trầm trọng. UBND phường Giảng Võ đã nghiêm cấm mọi hoạt động kinh doanh, cho thuê, cho mượn để ở hoặc sử dụng vào các mục đích khác tại đơn nguyên nhà C8.

Những mảng tường nứt vỡ, lộ rõ sắt thép bị bong tróc, có thể rơi bất cứ lúc nào, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. 

Nằm liền một dãy, các đơn nguyên còn lại tại Khu tập thể C8 Giảng Võ mặc dù được đánh giá chưa đến cấp độ D nhưng dấu vết xuống cấp theo thời gian cũng hiện rõ.

Cũng tại phường Giảng Võ, khu tập thể Ngọc Khánh là một trong nhiều chung cư cũ nằm trên "đất vàng" đã xuống cấp trầm trọng, có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. 

Kết cấu nhà A, khu tập thể Ngọc Khánh đã xuống cấp nghiêm trọng, các mảng tường bong tróc, sắt thép bị hoen gỉ, xung quanh được gia cố thêm bằng hệ thống khung thép nhưng theo thời gian cũng đã bị ăn mòn, không còn đảm bảo tính chịu lực.

Hiện nay, các hộ gia đình tại đơn nguyên 1 đã di dời đến chỗ ở mới song còn nhiều hộ dân vẫn sinh sống tại đơn nguyên 2. 


Được xây dựng từ năm 1990, khu tập thể Bộ Tư pháp (ngõ 35 Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình) nay cũng đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, cảnh báo mức độ nguy hiểm không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường. Khu nhà có 3 đơn nguyên nhưng hiện tại chỉ còn đơn nguyên 2 có người dân sinh sống, 2 đơn nguyên còn lại đã được quay tôn và niêm phong rào kín.

Đa số căn hộ tại đơn nguyên 2, tập thể Bộ Tư Pháp vẫn sáng đèn về đêm.

Chỉ cần quan sát bằng mắt thường dễ có thể thấy đơn nguyên 1 và 3 bị nghiêng lún, tách rời khỏi đơn nguyên 2. 

Ông Lê Hoàng Trung cho biết, căn hộ của gia đình ông rộng 33m2, đã phải cơi nới thêm hơn 30m2 nữa mới đủ diện tích sinh hoạt cho 7 người. "Căn hộ cũng đã xuống cấp nhưng vì công việc và địa điểm học tập của các thành viên đều ở gần đây nên nếu phải đi tạm cư ở xa rất ngại vì đường phố thường xuyên ùn tắc", ông Trung chia sẻ lý do.

Mặc dù đã thực hiện cải tạo và cơi nới căn hộ từ lâu nhưng vì gia đình đông người, cuộc sống sinh hoạt của nhà ông Trung vẫn rất bí bách.

Sống tại tập thể Bộ Tư Pháp đã hàng chục năm, ông Trần Huy Liệu (75 tuổi) cho biết, muốn ở lại khu này đến khi được đền bù nhà mới để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh. "Hiện tại chính quyền đang có chủ trương đền bù nhà mới ở phường Ngọc Khánh hoặc phường Giảng Võ nhưng tôi muốn tìm hiểu xem chủ đầu tư là ai và gặp trực tiếp chủ đầu tư để thống nhất ý kiến", ông nói.

Tối 17/2, UBND quận Ba Đình tổ chức đối thoại với các hộ dân. Từ năm 2016, nhà G6A Thành Công đã bị cơ quan kiểm định công bố là nhà nguy hiểm cấp độ D (cấp độ cao nhất), phải di dân để phá dỡ, xây dựng lại. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 23 hộ chưa rời đi do không đồng thuận với kết quả kiểm định và lo ngại tiến độ cải tạo tòa nhà.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954, hầu hết đã hết niên hạn sử dụng, trong đó có nhiều nhà chung cư cũ xuống cấp. Trong số đó có không ít nhà chung cư, tập thể cũ nằm ở vị trí “đất vàng”, “đất kim cương”.

Từ năm 2005-2014, Hà Nội đã hoàn thành cải tạo xây dựng lại 19 dự án và 14 dự án đang triển khai. Từ năm 2014, sau khi Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay không có dự án mới nào được bổ sung thêm, tiến độ thực hiện chậm, kém hiệu quả. Có thể thấy, sau gần 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1.500 căn chung cư cũ của thành phố.

Thế Bằng