Hiệu ứng từ gói hỗ trợ an sinh xã hội
Tổng số gói hỗ trợ tài chính tiền tệ mà Chính phủ, Quốc hội bỏ ra theo tính toán lên đến 8,3% tổng lượng GDP Việt Nam vào năm 2022, cao hơn mức bình quân của thế giới. Các nước thu nhập như chúng ta, con số này vào khoảng 4%. Chưa kể năm nay, chúng ta dành 78.000 tỷ đồng cải cách tiền lương, 63.000 tỷ tăng cường đầu tư cho hạ tầng - quyết sách đó sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian ngắn tới đây, trên cơ sở nguồn thu của năm 2022.
Đây là động lực rất quan trọng cho kinh tế phục hồi, phát triển sau đại dịch và tiền đề dài hạn cho giai đoạn tới.
Tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp về an sinh xã hội.
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...
Tính đến hết tháng 8/2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt gần 94,7 nghìn đồng. Trong đó, cho vay 5 chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 20.347 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 2.390 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.679,3 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt khoảng 681 nghìn tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 60.201 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.
Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đạt trên 175,2 nghìn tỷ đồng. Số vốn giải ngân từ Chương trình tính đến ngày 31/8/2023 ước đạt khoảng 33.840 tỷ đồng (đạt 26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá: Các tầng lớp nhân dân cũng được hưởng thành quả của quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Thu nhập bình quân một người năm 2022 theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng/tháng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021.
Năm 2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Việc làm được bảo đảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối thấp: tính chung năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,32%, trong đó khu vực thành thị là 2,79%; khu vực nông thôn là 2,03%.
Chú trọng các chính sách an sinh xã hội
PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân, nhấn mạnh: Các chính sách an sinh xã hội và thúc đẩy tiêu dùng nội địa cần phải được chú trọng và chuẩn bị sẵn sàng trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm sút và nhiều doanh nghiệp sa thải lao động. Các biện pháp này có thể bao gồm trợ cấp thu nhập cho hộ nghèo và người bị mất việc, giảm thuế VAT đối với hàng thiết yếu nội địa, cho vay trả lương để doanh nghiệp giữ chân người lao động, và giảm bớt gánh nặng thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, việc nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm trừ gia cảnh, giảm bớt bậc thuế và hạ thuế suất thu nhập cá nhân không chỉ giúp người dân trong nước bù đắp được phần nào chi phí sinh hoạt tăng nhanh trong những năm qua, mà còn là biện pháp góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam có thể tham gia áp thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian tới.
Những biện pháp tài khóa kể trên mang nhiều ưu điểm khi kết hợp được mục tiêu an sinh xã hội với kích cầu, vừa thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn lại cải thiện được tổng cung tiềm năng, mang lại sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai.
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Bài học về vượt khó và càng trong khó khăn, càng cần phải chú ý đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, tích cực hỗ trợ những người lao động, người nghèo trước nguy cơ bị mất việc làm, thu nhập giảm sút và giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu gia tăng.
Đây cũng là dịp để phát huy vai trò của hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội, những mô hình độc đáo, nhân văn như tín dụng chính sách xã hội trong việc mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người dân có thu nhập thấp, thúc đẩy bình đẳng giới, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
"Cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ phương châm: phát triển vì con người, đặt người dân ở trung tâm của quá trình phát triển, ổn định để phát triển và phát triển để đảm bảo tăng trưởng bền vững, mà Việt Nam đã kiên định tiến hành qua gần 40 năm đổi mới", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.