Hôm nay (18/12), tại tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng”, Thượng tá Đới Ngọc Thắng - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM - thông tin trong 9 tháng đầu năm, đơn vị tiếp nhận 461 vụ việc người dân trình báo bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Số vụ trình báo giảm 282 vụ so với cùng kỳ năm trước, nhưng số tiền thiệt hại vẫn lên tới 982 tỷ đồng.
Phòng Cảnh sát hình sự đã khởi tố 242 vụ án. Nhưng theo ông Thắng, công tác điều tra, khám phá các vụ án lừa đảo trên không gian mạng còn nhiều hạn chế, đến nay chỉ khám phá được 2 vụ với 4 bị can.
Chiếm đa số trong các vụ trình báo, với 267 vụ, là về chiêu kêu gọi làm cộng tác viên làm nhiệm vụ bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử để nhận hoa hồng, mời tham gia tuyển người mẫu ảnh nhí. Tiếp theo là chiêu lừa mời gọi đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán, tiền ảo, ngoại hối, với 102 vụ.
Ngoài ra, các chiêu lừa phổ biến khác vẫn còn nhiều, như: giả danh cơ quan công quyền, hack tài khoản mạng xã hội để giả làm người thân mượn tiền.
Thượng tá Thắng chia sẻ tính trung bình, người dân bị thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng cho một vụ lừa đảo trên mạng, có thể là tiền của bị hại hoặc vay mượn của người khác.
Cũng theo Thượng tá Thắng, các vụ lừa đảo ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người bị hại; gây xáo trộn, mâu thuẫn trong gia đình, mất mát tình cảm giữa người thân, bạn bè với nhau. Thậm chí có vụ việc còn dẫn đến xung đột, bạo lực như đối với trường hợp cho vay mượn tiền nhưng bị hại không có tiền trả… Hoặc trường hợp xấu nhất, do không chịu nổi áp lực về tiền bạc, người bị lừa đã tự chấm dứt cuộc sống của mình.