Nhà sản xuất phim Canada Rob Spence có biệt danh là "Eyeborg" (người có mắt làm từ máy) do sở hữu một "con mắt" khác người: camera quay phim.
Rob Spence, 44 tuổi bị mù một mắt do tai nạn khi mới 9 tuổi. Hiện tại, anh đang sử dụng một con mắt mô phỏng sinh học điều khiển bằng điện tử.
Tất nhiên, con mắt mô phỏng sinh học không mang lại cho anh Spence thị lực siêu phàm như nhân vật Kẻ hủy diệt trong bộ phim Hollywood cùng tên. Song, anh vẫn sử dụng nó để quay video - một khả năng vô cùng tiện lợi đối với một nhà sản xuất phim.
Theo lời kể của nhà sản xuất phim Canada, cách đây vài năm, anh quyết định chế tạo một chiếc camera thu nhỏ, có thể lắp vừa vào bên trong con mắt giả hay đeo. Sáng chế của Spence đã được tạp chí Time vinh danh là một trong những phát minh tuyệt vời nhất năm 2009.
Nói về con mắt đặc biệt của mình, anh Spence cho biết: "Nó không phải là mắt giả hình cầu. Nó thực tế giống như một kính áp tròng dày và bên trong có pin 3V, một camera quay phim không dây và một bộ phận truyền video không dây. Tất cả được gắn vào một bảng mạch để chúng có thể giao tiếp với nhau".
Về cơ bản, mắt camera không kết nối với bộ não của anh Spence hay khôi phục thị lực của anh như bình thường. Thay vào đó, nó quay lại mọi thứ anh nhìn thấy và cho phép anh truyền trực tiếp, theo giờ thực toàn bộ những hình ảnh này về một máy tính. Chủ nhân có thể bật hay tắt tính năng quay phim này chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Mắt mô phỏng sinh học của Spence ra đời với sự giúp đỡ của giáo sư Steve Mann thuộc Viện Công nghệ Massachusetts. Vấn đề duy nhất hiện nay là khi sử dụng liên tục trong thời gian dài, mắt camera có xu hướng trở nên quá nóng. Điều đó đồng nghĩa, để an toàn, nhà sản xuất phim chỉ có thể giữ nó trong hốc mắt của mình khoảng 3 phút trước khi phải tháo ra ngoài.
Anh Spence hy vọng trong tương lai không xa có thể cải tiến để mắt camera hoạt động được nhiều tiếng liên tục mà không gây hại cho người dùng. Anh cũng đang tìm cách chuyển giao công nghệ sang mắt giả của những người khác.
Các chuyên gia dự đoán, những tiến bộ trong ngành robot học có thể thúc đẩy nhiều người hơn thay thế hoặc tăng cường sức mạnh cho các bộ phận cơ thể họ bằng máy móc, thiết bị mô phỏng sinh học trong tương lai. Dĩ nhiên, việc đó chắc chắn sẽ làm nảy sinh một số câu hỏi về vấn đề đạo đức.
Tuấn Anh (Theo BBC, Daily Mail)